Nhà trường vì thế thu học phí từng tháng thay vì một quý hay 6 tháng/lần như trước đây.
Đồng loạt tăng
Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 287/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Theo đó, học phí đối với học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch rõ rệt, phân vùng theo khu vực thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số; trong đó khu vực thành thị có bậc học tăng đến 150%.
Cụ thể, tại thành phố Thanh Hóa các trường mầm non, THCS, THPT trong hệ thống công lập có mức thu học phí năm học 2022 - 2023 là 300 nghìn đồng/học sinh/tháng. So với năm học 2021 - 2022, học phí các bậc tăng lần lượt là 53,8%, 150% và 93,5%…
Ngoài học phí, một số khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khác cũng tăng so năm học trước. Cụ thể như, môn Kỹ năng sống, Tiếng Anh năm học 2021 - 2022 là 7 nghìn đồng/HS/tiết, nhưng năm học 2022 - 2023 có mức thu tối đa là 12 nghìn đồng/HS/tiết… Ngoài ra, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khác như học thêm, bán trú… cũng tăng.
Anh Lê Mạnh Hùng, ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa có 2 con học tại trường công lập trên địa bàn. “Đầu năm học, đi họp phụ huynh cho con, tôi thấy “choáng” với mức đóng học phí và các khoản dịch vụ khác. Vợ tôi là nhân viên văn phòng, còn tôi là lao động tự do, mấy năm vừa qua Covid-19 kéo dài khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
Bà Lê Thị Như Hoa, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, mức tăng học phí năm học này trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo hướng dẫn của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
“Mức học phí Thanh Hóa ban hành là áp dụng mức thấp nhất của Nghị định 81. Trước khi ban hành Nghị quyết, Ban đã khảo sát, lấy ý kiến các hiệu trưởng từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông. Ban cũng căn cứ trên cơ sở điều kiện về thu nhập, mức sống của người dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương…
Do vậy, tăng học phí theo lộ trình này là phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần vào việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập, cũng như bổ sung kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thời gian tới”, bà Hoa thông tin.
Học phí bậc THCS tại Thanh Hóa tăng 150%. |
Thu đúng quy định và thu theo từng tháng
Sau khi có hiệu lực, Trường THCS Quang Trung, TP Thanh Hóa đã họp toàn bộ giáo viên để quán triệt tinh thần Nghị quyết. Cô Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, TP Thanh Hóa, cho hay, xác định việc tăng học phí lên hơn 150% so với năm học trước sẽ không tránh khỏi ý kiến nên trong cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã giải thích cặn kẽ để phụ huynh nắm được tinh thần Nghị quyết.
“Để giảm bớt áp lực cho phụ huynh, nhà trường đã cân đối lại các khoản thu dịch vụ trong danh mục được phép thu sao cho hợp lý nhất. Bên cạnh đó, mặc dù không có học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhưng nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm rà soát toàn bộ, đặc biệt là học sinh đầu cấp (lớp 6). Em nào có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẵn sàng miễn giảm tiền học thêm và các khoản dịch vụ khác”, cô Ngoan chia sẻ.
Ở cấp THPT, năm học này, học phí sẽ tăng từ 155 nghìn đồng/học sinh/tháng lên 300 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Theo thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ có những ý kiến trái chiều. Để giảm áp lực cho phụ huynh, nhà trường triển khai thu học phí theo từng tháng, tối đa là theo từng quý.
Ngoài ra, việc thu các khoản đầu năm được nhà trường kiểm soát chặt chẽ, thu đúng theo danh mục được HĐND tỉnh phê duyệt để giảm áp lực cho phụ huynh khi đầu năm học phải đóng nhiều khoản cùng một lúc…
Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, thông tin, để giảm áp lực về kinh tế, trong quá trình thực hiện, các nhà trường cần cân nhắc trong việc triển khai các khoản thu đầu năm học sao cho đúng quy định; khuyến khích phụ huynh nộp học phí từng tháng, vì trên thực tế vẫn còn nhiều gia đình ở vùng đô thị nhưng đời sống khó khăn.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh nắm được tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh, qua đó cùng chia sẻ và ủng hộ chủ trương của tỉnh và ngành Giáo dục.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, riêng các khoản thu dịch vụ, Nghị quyết HĐND chỉ quy định mức tối đa và sở đã hướng dẫn các phòng GD trong việc tham mưu cho UBND hướng dẫn cụ thể trên từng địa bàn.