Ngành Logistics là gì?
Nhắc đến kinh doanh, nhiều người thường chỉ nghĩ đến các công việc nghe quen thuộc như gặp gỡ khách hàng, bán hàng, marketing… mà “bỏ quên” mất một mảng cũng cực kì quan trọng: Quản trị Chuỗi cung ứng & Logistics.
Người làm công việc này giống như “chiến binh thầm lặng” phía trong “hậu trường”, có thể nắm được bức tranh toàn cảnh của cả một hệ thống để đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và “phân bổ hàng hóa” tới tay khách hàng ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh nhất.
Theo Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Logistics đơn giản là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng - là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, xử lý hàng hư hỏng, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Nếu làm tốt về Logistics, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty.
“So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển Logistics, như chính trị ổn định, vị trí địa lý chiến lược ở Đông Nam Á - châu Á - Thái Bình Dương, vùng biển rộng lớn, dân số trẻ và đông, lực lượng lao động dễ tiếp thu, áp dụng khoa học tiên tiến, đặc biệt là chính sách kinh tế mở cửa năng động, ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Các điều kiện trên khiến cho Logistics trở thành ngành học đang có sức hút lớn với học sinh”- TS Hoàng nói.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, trong ba năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ Logistics cần thêm 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về Logistics. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động có trình độ trong ngành Logistics còn gặp nhiều khó khăn do tại Việt Nam rất ít trường đại học đào tạo chuyên sâu chuyên ngành này.
Anh Trần Minh Quân- Giám đốc một công ty chuyên về Logistics tại quận 7, TPHCM cho biết: “Người làm nghề này phần lớn đều là tay ngang, có cơ hội làm cho các công ty đa quốc gia nên được những người có kinh nghiệm truyền nghề.
Hằng tháng, công ty chúng tôi tuyển dụng 5 – 10 nhân viên làm trong lĩnh vực này nhưng rất khó khăn. Bởi người có kinh nghiệm thì đã có chỗ làm ổn định, sinh viên mới ra trường thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ… doanh nghiệp phải mất công đào tạo lại”.
Cũng chính do nguồn nhân lực Logistics đang thiếu trầm trọng, cũng như nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của logistics ngày càng cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các doanh nghiệp. Theo tiết lộ của anh Quân thu nhập của những người làm nghề này khá cao.
Chương trình ngành Logistics có gì hay?
Bên cạnh tương lai phát triển, mức lương cao, học tập ngành Logistics cũng có nhiều điểm thú vị, có thể kể tới 2 điểm chính:
- Thứ nhất, cơ hội tiếp xúc với nhiều lĩnh vực đa dạng: Logistics là một ngành công nghiệp đa dạng với rất nhiều phân ngành nhỏ.
Chính nhờ đó mà sinh viên sẽ được học về các ngành công nghiệp khác nhau và chức năng của chúng; về chuỗi liên kết các mảng công việc trong vận chuyển hàng hóa quốc tế và nội địa; giúp các bạn sinh viên có vốn kiến thức rộng, có khả năng làm việc ở nhiều vị trí.
Đồng thời, việc học và làm nhiều công việc khác nhau giúp cho ngày làm việc của bạn vừa thú vị mà cũng vô cùng thách thức.
- Thứ hai, trải nghiệm môi trường kinh doanh quốc tế: Có lẽ lý do thú vị nhất để sinh viên theo học ngành hậu cần là họ sẽ đạt được những kinh nghiệm về kinh doanh trên thương trường quốc tế.
Sinh viên ra trường sẽ phát triển những mối quan hệ với các đối tác chuyên nghiệp trên toàn thế giới (nếu công ty làm việc với những khách hàng nước ngoài).
Rất có thể cử nhân ngành Logistics cũng sẽ có được những cơ hội du lịch đến châu Á, Nam Mỹ hay bất kỳ nơi nào trên thế giới này, nhờ các cơ hội di chuyển trong công việc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các trường có đào tạo ngành Logistics hoặc chuyên ngành hẹp về Logistics đa phần đều xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình các nước Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc….
Điển hình như tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM chương trình đào tạo xây dựng theo cách tiếp cận tiên tiến của Mỹ; đi đầu trong cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo; môi trường học tập vô cùng thân thiện và thoải mái; liên kết trên 150 doanh nghiệp; liên kết với nhiều trường quốc tế của Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Anh, Bỉ,…
Trường ĐH Bách khoa TPHCM là một trong những trường có đào tạo ngành Logistics |
Cơ hội việc làm… rộng mở?
Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động TPHCM, hiện Việt Nam có gần 300.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics, với số lượng lao động lên đến khoảng 1,5 triệu người.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Trong khi đó, không có quá nhiều trường đại học đào tạo chính thống chuyên ngành Logistic tại Việt Nam, khiến ngày càng có nhiều các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài để theo đuổi ngành nghề đang rất “hot” này.
Bên cạnh đó, theo dự báo của nhiều chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, Logistics là một trong số ít ngành đang “khát” nguồn nhân lực nhất trên toàn cầu hiện nay.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thư- Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TPHCM, sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics hoàn toàn có thể đảm đương nhiều chức vụ ở nhiều loại hình công ty khác nhau.
Không chỉ làm việc cho các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ Logistics, dịch vụ vận tải, giao nhận mà các bạn trẻ còn dễ dàng tìm thấy nhiều phòng ban nghiệp vụ phù hợp với chuyên môn như: kế hoạch, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư...
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp may mặc hiện đang là ngành có thế mạnh về năng lực xuất khẩu, và cũng là ngành có nhu cầu nhân lực Logistics rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nhiều công ty chỉ tập trung gia công theo đơn đặt hàng từ phía các thương hiệu nước ngoài mà chưa có riêng cho mình một quy trình sản xuất cũng như một chuỗi cung ứng hoàn thiện.
Vì vậy, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động TPHCM, dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tính riêng ngành Logistics ở Việt Nam cần thêm khoảng gần 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành chuyên nghiệp và khả năng tiếng Anh tốt. Đặc biệt, mức lương khởi điểm cho nhân sự chất lượng cao mới tốt nghiệp có thể ở mức 400-500USD/tháng.
Chia sẻ về nghề mình đang làm, Bảo Ngân - nhân viên phòng cung ứng vật tư của một Công ty sản xuất răng sứ tại quận 1, TPHCM, cho biết: “Công việc chủ yếu của mình là quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào và tồn kho.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng làm thế nào để dự toán chính xác số lượng nguyên vật liệu cần mua cho một đơn hàng, cách quản lý những biến động về giá đầu vào hay khắc phục thiếu hụt, sự cố trong quá trình sản xuất là những công việc vô cùng cân não. Với Ngân, đây là một nghề thú vị, nhiều tiềm năng phát triển nhưng đòi hỏi bạn cần phải có tư duy quản trị và hoạch định tốt”.
Phó Giáo sư Mathews Nkhoma-Trưởng khoa Thương mại và Quản lý, Đại học RMIT Việt Nam - chia sẻ:
“Nếu các em đang tìm kiếm một nghề nghiệp trong ngành công nghiệp năng động và phát triển nhanh chóng, thì Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics là một sự lựa chọn tuyệt vời! Các doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung đều có nhu cầu rất lớn trong việc “săn lùng” các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Vì thế, chương trình đào tạo cử nhân ngành sẽ mang lại cho sinh viên những thách thức kinh doanh thú vị để đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước lẫn quốc tế”.