Học ngành Lịch sử: Tính liên ngành cao, cơ hội nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lịch sử là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử nói chung và Lịch sử Việt Nam nói riêng; trang bị cho người học những kỹ năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các vấn đề lịch sử: tiến trình lịch sử, khảo cổ, ý nghĩa của lịch sử đối với xã hội hiện tại...

Lịch sử là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử nói chung và Lịch sử Việt Nam nói riêng.
Lịch sử là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử nói chung và Lịch sử Việt Nam nói riêng.

Cử nhân tốt nghiệp ngành Lịch sử có đủ kiến thức và kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, chính trị, văn hóa…

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành học này, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện với PGS.TS. Lưu Văn Quyết – Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Cơ hội nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực

PV: Xin thầy cho biết về lịch sử hình thành của ngành học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, khoa Lịch sử là một trong số ít khoa có bề dày truyền thống lâu đời nhất trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Đây còn là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo ưu tú, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; nơi sản sinh ra nhiều cá nhân tài năng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt cho đội ngũ lãnh đạo các cấp của đất nước, nhất là khu vực phía Nam. Đội ngũ nhà giáo trong khoa đã công bố hàng nghìn công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Giờ học thực tế tại Bảo tàng của sinh viên chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Giờ học thực tế tại Bảo tàng của sinh viên chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

PV: Sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Lịch sử?

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Về cấu trúc, chương trình đào tạo của khoa Lịch sử tổng cộng gồm 120 tín chỉ, tổ chức giảng dạy trong 7 học kỳ (tương đương 3,5 năm), bao gồm: khối lượng kiến thức giáo dục đại cương, khối kiến thức cơ sở ngành, khối kiến thức chuyên ngành (bắt buộc và tự chọn), khối kiến thức tự tích luỹ là ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Trong khối kiến thức chuyên ngành, chương trình đào tạo được cấu trúc thành các mảng lớn theo định hướng nghề nghiệp là: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử thế giới, Khảo Cổ học,… Điểm nhấn trong chương trình đào tạo của Khoa Lịch sử là có hệ đào tạo Cử nhân tài năng (được hỗ trợ học phí) với nhiều chuyên đề được giảng dạy bằng song ngữ Việt - Anh.

Về chuyên môn, chương trình đào tạo của khoa Lịch sử có tính liên thông, xuyên ngành rất cao, hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người học. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn một cách cơ bản, kiến thức chuyên sâu về khoa học lịch sử và kiến thức bổ trợ xuyên ngành về các lĩnh vực như: lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, địa chính trị, ngoại giao, khu vực học, quốc tế học…

PV: Việc đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa thầy?

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Khoa Lịch sử chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn liên quan đến các vấn đề của lịch sử Việt Nam (lịch sử kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, ngoại giao, đối ngoại, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, biển đảo,…), lịch sử thế giới (khu vực học, toàn cầu hóa,…), lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (đường lối, chủ trương, quá trình hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam,…), Khảo cổ học (các nền văn minh cổ đại ở Việt Nam và trên thể giới, Khảo cổ học dưới nước,…) và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp như ngoại ngữ, tin học; các kỹ năng nghiên cứu, trình bày, tư duy, phản biện, giải quyết vấn đề, tham mưu; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm,…

Do đặc thù của khoa học lịch sử có tính liên ngành cao vì thế trong chương trình đào tạo của khoa, ngoài những tiết học trên giảng đường, giảng viên sẽ tổ chức cho sinh viên đi thực tế tại các cơ quan, các doanh nghiệp, các tổ chức hoặc đến các khu di sản, di tích lịch sử - văn hóa, các bảo tàng,… Bên cạnh đó, đối với mỗi khóa học, Khoa sẽ tổ chức các chương trình thực tập thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, di sản, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên phạm vi cả nước để sinh viên có cơ hội trải nghiệm, nghiên cứu thực địa, khám phá tri thức mới, giúp nâng cao khả năng thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Việc kết hợp học tập giữa lý thuyết đi đôi với thực hành giúp sinh viên có khả năng vận dụng những kiến thức đã học vào quá trình làm việc, công tác sau này.

Một buổi chia sẻ kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên khoa Lch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Một buổi chia sẻ kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên khoa Lch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

PV: Được biết, ngành học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành Lịch sử có thể làm tốt những công việc như thế nào?

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Trong thực tế, sinh viên tốt nghiệp từ khoa Lịch sử đã và đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở các lĩnh vực:

Thứ nhất, làm việc trong hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, các cơ quan Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang (công an, quân đội), các tổ chức chính trị - xã hội, hải quan, ngoại giao; các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình,…

Thứ hai, làm cán bộ giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, các trường Chính trị, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; làm cán bộ quản lý, nghiên cứu trong các Viện, Trung tâm nghiên cứu; làm việc trong các Nhà xuất bản, các Bảo tàng; cán bộ tham mưu tại các cơ quan, trung tâm, Viện nghiên cứu,…

Thứ ba, làm việc trong các Công ty, Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân như: Công ty, doanh nghiệp Du lịch lữ hành, các Công ty văn hóa, truyền thông, tổ chức sự kiện, các tổ chức, công ty hoạch định, tham mưu chính sách, chiến lược,…

Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại và tương lai

PV: Để theo học ngành Lịch sử, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa thầy?

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Tố chất cần có đối với người học Sử là đam mê nghiên cứu và khám phá tri thức. Khoa học nào cũng cần có đam mê, nhưng đối với khoa học lịch sử, có lẽ đam mê là một trong những tố chất tối quan trọng, bởi học Sử không chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến truyền thống, những vấn đề đã diễn ra, mà cần đam mê để khám phá và vận dụng những tri thức vào thực tế, từ đó rút ra những bài học cho hiện tại và hoạch định, định hướng cho tương lai.

PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh viên cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Bất cứ một ngành học nào, kiến thức và kỹ năng luôn phải song hành. Với triết lý giáo dục của khoa là Truyền thống - Sáng tạo - Khai phóng, chúng tôi chú trọng trang bị cho sinh viên cả hai điều này thông qua chương trình đào tạo và các hoạt động thực tiễn của khoa, của trường trong suốt thời gian các bạn sinh viên học tập. Cụ thể đó là kỹ năng giao tiếp, làm việc độc lập và làm việc nhóm, trình bày, giải quyết vấn đề, thuyết giảng, tham mưu, phục vụ cộng đồng,… được trang bị thông qua những tiết giảng trên giảng đường, những buổi thực tập thực tế; thông qua các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các câu lạc bộ, đội nhóm….

Tôi rất vui mừng khi có mặt tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam...

GS. Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard phát biểu trong buổi làm việc với Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM ngày 23/3/2017.

PV: Xin thầy cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã và đang tìm hiểu, yêu thích ngành học này

PGS.TS. Lưu Văn Quyết: Nếu chọn lựa khoa học Lịch sử để lập thân, lập nghiệp, chúng tôi hy vọng các bạn hãy tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho niềm đam với truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc. Trong thế giới toàn cầu hóa và phẳng như hiện nay, khi mà khoa học và công nghệ đã đạt đến một trình độ cao, tạo ra những giá trị vật chất to lớn, thì con người lại đi tìm những giá trị tinh thần - đó chính là những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Khoa Lịch sử chính là nơi đào tạo, nghiên cứu, truyền bá những giá trị cốt lõi của dân tộc.

Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Vì vậy ngay từ bây giờ, các bạn hãy ra sức trau dồi kiến thức, rèn đức, luyện tài; hãy làm giàu tuổi hai mươi của mình bằng cách tiếp nhận sức mạnh tinh thần truyền thống của dân tộc để làm nền tảng cho thành công của bản thân trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ