Những ứng xử chưa phù hợp
Bị ba dội một "gáo nước lạnh", ức quá, Hoàng gặng hỏi: "Nhưng con không hiểu tại sao con lại không được làm lớp trưởng, An đâu có giỏi hơn con đâu. Một số bạn nói con làm lớp trưởng là hợp nhất".
Ba Hoàng nổi cáu: "Con có dẹp cái vụ lớp trưởng, lớp treo đi cho ba nhờ không? Đã nói rồi mà cứ lằng nhằng hoài". Mẹ kéo tay cu cậu đi chỗ khác, bảo: "Mẹ thấy con mẹ rất giỏi, cô không chọn con là cô có mắt... không tròng rồi. Thôi, để ba làm việc, con đi tắm rồi ăn cơm".
Một lần khác, cuối năm học lớp 4, Hoàng hớn hở về khoe giấy khen học sinh (HS) khá, ba hờ hững: "HS khá thôi mà cũng khoe hở con? Ở lớp con có bao nhiêu bạn là HS giỏi?". Hoàng "đứng hình". Lần sau, mỗi lần có giấy khen HS khá đều không khoe nữa.
Rồi một học kỳ Hoàng được giấy khen HS giỏi, chạy thật nhanh về nhà để khoe, mẹ xoa đầu con và bảo: "Giỏi luôn à? Cô có trao lộn không đó?". Hoàng không cười nổi với kiểu đùa của mẹ, bật khóc nức nở. Thấy con khóc, mẹ Hoàng lại quát: "Mới nói một câu mà khóc, khóc cái gì?".
Hồi Hoàng còn học mẫu giáo, có lần về nũng nịu ba: "Mấy bạn kia được cô khen ngoan, cô thưởng kẹo, con không được. Con cũng muốn được thưởng kẹo".
Ba bảo luôn: "Tưởng gì chứ mấy viên kẹo ấy mà, để ba mua cho, cần gì phải chờ cô thưởng". Nhưng Hoàng vẫn không chịu, bắt ba "làm thế nào để cô thưởng kẹo cho con đi". Ba phớt lờ, còn nói Hoàng là "thằng nhãi ranh vớ vẩn".
Cách lý giải của ba mẹ khiến Hoàng từ một cậu bé có ý thức cạnh tranh lành mạnh, mong muốn đạt được những vinh dự trước đám đông đã trở nên bế tắc, chán nản và xem việc có đạt được vinh dự hay không là do "hên-xui".
Ngay khi Hoàng đạt được những thành tích nhất định, ba mẹ cũng không mấy quan tâm khen ngợi, khiến cậu bé có cảm giác thiếu tự tin.
Tiếp lửa cho con
Phấn đấu để đạt được vị trí quan trọng giữa đám đông hoặc giành được phần thưởng là chí hướng tích cực, mỗi đứa trẻ cần được cha mẹ "tiếp lửa", ngay từ những chuyện nhỏ nhất.
Hoàng đang học mẫu giáo, muốn được cô giáo thưởng kẹo như một số bạn, là cơ hội tốt để cha mẹ hướng dẫn cho con phấn đấu ra sao để được thưởng như bạn. Với phụ huynh, một chiếc kẹo chẳng là gì cả, nhưng với trẻ, một chiếc kẹo được cô giáo thưởng giữa tập thể có ý nghĩa rất lớn.
Trong trường hợp này, chiếc kẹo mang giá trị tinh thần. Sẽ hợp lý hơn nếu phụ huynh dành chút thời gian, ngồi bên cậu bé và nhẹ nhàng phân tích rằng, những bé ngoan sẽ được thưởng kẹo, lần này mình chưa được, mình cố gắng ngoan ngoãn hơn để được cô thưởng.
Hay như việc Hoàng buồn bã khi không được chọn làm lớp trưởng, cha mẹ Hoàng cần ghi nhận tinh thần cầu tiến của con. Ở lớp học, lớp trưởng như một thủ lĩnh.
Khi con đang có khát khao vươn lên thành thủ lĩnh, đừng vô tình dập tắt khát khao đó bằng quan điểm "lớp trưởng cũng chỉ là chức danh vớ vẩn".
Nếu phụ huynh đặt mình vào vị trí của con, sắm vai bạn của con, sẽ giúp con hiểu được giá trị của chức danh ấy, phân tích cho con biết để được làm lớp trưởng, phải đạt được những kỹ năng gì. Sau đó, nếu được phụ huynh sát cánh, trẻ sẽ càng tự tin để phấn đấu.
Trường hợp của Hoàng, cậu bé tưởng mình đạt HS khá là vinh dự lớn, nhưng lại bị cha mẹ coi thường thành tích ấy. Hoàng cố gắng để đạt HS giỏi, nhưng lại hụt hẫng khi bị mẹ "chọc quê". Nếu được khen ngợi đúng, cậu bé sẽ bồi đắp được sự tự tin và hào hứng vươn lên.
Người lớn thường tỏ ra quá bận rộn để giải quyết những vấn đề con trẻ đề cập. Thực ra, người lớn coi thường những vấn đề của trẻ, nghĩ ngay rằng nó là nhỏ nhặt nên ít quan tâm.
Nếu phụ huynh tôn trọng con trẻ, nghiêm túc cùng con giải quyết những khúc mắc, sẽ thấy vấn đề của con không hề nhỏ. Phụ huynh bỏ bê, không khơi gợi, khích lệ thì làm sao có thể đòi hỏi con tự tin