Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trong mọi thời đại, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện vai trò, vị trí quan trọng của mình trong gia đình và xã hội.
Trong lĩnh vực GD-ĐT, việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong GD-ĐT - góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là nhiệm vụ của toàn ngành nói chung và của Ban VSTBPN ngành Giáo dục nói riêng - những người đang góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về công tác bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.
Theo Thứ trưởng, ngành Giáo dục có tỷ lệ lao động nữ cao, khoảng hơn 1,2 triệu người, chiếm 82,1% (tính trung bình cho các cấp học từ mầm non đến đại học). Điều đó cho thấy vai trò của phụ nữ hết sức quan trọng trong sự phát triển của ngành nói riêng và của xã hội nói chung. Giáo dục có vai trò định hướng nhận thức xã hội, công tác VSTBPN là một trong những nhân tố quan trọng nhằm xóa bỏ dần định kiến về giới, hướng tới bình đẳng giới trong xã hội.
Trong nhiều năm qua công tác VSTBPN đã được các cấp, các ngành quan tâm. Nhiều văn bản, chính sách đã đưa cơ cấu nữ được ưu tiên cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm.
Do vậy rất cần những người trực tiếp công tác VSTBPN ngành GD có cái nhìn đúng đắn và tâm huyết về hoạt động này để có đề xuất và thực hiện các hoạt động góp phần làm nên thành công cho mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ mà chúng ta đang hướng tới.
Cụ thể: Tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỉ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.
Đảm bảo vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn, thân thiện; Tăng cường công tác thống kê có trách nhiệm giới, lồng ghép giới vào hoạch định chính sách.
Thứ trưởng đánh giá cao những đóng góp của các đồng chí làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, bởi lẽ hầu hết các đồng chí đều đóng vai trò kiêm nhiệm, bên cạnh các nhiệm vụ được giao khác. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với vai trò là nhà quản lý, hay là các đồng chí chuyên viên, thì ở lĩnh vực nào các đồng chí cũng tâm huyết để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng khẳng định, việc sơ kết hoạt động VSTBPN 6 tháng đầu năm là một hoạt động quan trọng và cần thiết triển khai hàng năm, có những trao đổi thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng, đặc biệt nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các hoạt động để làm sao hoạt động của Ban VSTBPN thiết thực, hiệu quả.
Kế hoạch “5 rõ”
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng ghi nhận các ý kiến tham luận, góp ý cho hoạt động của Ban VSTBPN, đồng thời nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, về cơ bản chúng ta đã có nhận thức tốt về sự tiến bộ của phụ nữ. Các hoạt động đã đi vào nền nếp. Công tác phụ nữ trong ngành GD đã được quan tâm. Ngoài ra, các địa phương đã nhận diện được nhiệm vụ của Ban VSTBPN; từ đó có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo để hoạt động ngày càng hiệu quả.
Nêu lên một số khó khăn còn tồn tại, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Ban VSTBPN cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong tâm như: Nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức, nên nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng.
Ban cần xây dựng kế hoạch và quản lý theo kế hoạch. Quan trọng là phải chú trọng công tác xây dựng kế hoạch thật kỹ, ít nhất phải “5 rõ”: rõ mục tiêu, chỉ số; rõ nhiệm vụ và giải pháp; rõ lộ trình và thời gian thực hiện; rõ kinh phí; rõ trách nhiệm.
Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ. “Hiệu quả công việc bằng tích của 3 chữ LÀM: Biết làm - Có điều kiện để làm - Có động lực để làm. Nếu 1 trong 3 thừa số bằng 0 thì tích bằng 0” - Thứ trưởng trao đổi.
Cũng theo Thứ trưởng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là tới đây chuẩn bị cho tổng kết 5 năm.