Với quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ ngoài Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến còn những quan chức nào bắt tay thông đồng với Công ty Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 và xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội.
Tham nhũng y tế gây bức xúc lớn bởi ngành y tế cung cấp trực tiếp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân. Những sai phạm trong ngành này tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh (vấn đề thuốc giả) và đến túi tiền của họ (thông qua nâng giá, khống giá).
Trong khi đó, tham nhũng liên quan đến đất đai làm thất thoát tài sản khổng lồ của Nhà nước. Việc định giá thấp đất đai, làm thâm hụt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước rõ ràng là không thể “dung thứ”, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi tiêu cho bộ máy hành chính, cho an sinh xã hội, cho đầu tư phát triển đất nước lại rất lớn.
Nhìn rộng hơn, khi tài sản đất đai không được khai thác hiệu quả, nguồn lực đất đai không đến được những chủ thể có năng lực khai thác tốt nhất bởi không đi qua cơ chế thị trường cạnh tranh và minh bạch, điều đó sẽ làm tổn hại đến hiệu quả nói chung của cả nền kinh tế.
Ưu tiên xử lý nhanh và nghiêm minh các vụ án trong hai lĩnh vực này vì vậy là cách trực tiếp nhất góp phần giải quyết những bức xúc nóng nhất của người dân hiện nay. Tuy nhiên, nếu xử lý án có tác dụng lớn để trừng phạt và răn đe những cán bộ Nhà nước có ý định vi phạm pháp luật, thì ý nghĩa lớn hơn của sửa đổi pháp luật và thể chế là để ngăn ngừa từ gốc mầm mống phát sinh tội phạm.
Theo đó, trong lĩnh vực y tế, chính sách về xã hội hóa, cụ thể là cơ chế quản trị, vận hành bệnh viện; chính sách và quy định về mua sắm thuốc và vật tư y tế cần được đánh giá và rà soát tổng thể. Khắc phục những lỗ hổng vừa giúp chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích của người bệnh, đồng thời cũng là bảo vệ lực lượng làm chuyên môn, bảo vệ nguồn cán bộ của Đảng.
Hay yêu cầu quan trọng nhất trong việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới là phải bịt được những lỗ hổng làm thất thoát tài sản Nhà nước. Ví dụ, thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế là điểm dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tham nhũng, gây kiện cáo và bức xúc với người dân.
Cơ chế định giá đất không theo phương thức thị trường cũng dễ bị lợi dụng để làm thất thoát tài sản Nhà nước. Cùng với sửa Luật Đất đai sẽ cần “động” đến chính sách và quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác để khắc phục toàn diện những lỗ hổng đó.
Vì vậy, những ưu tiên ngắn hạn - xử lý nghiêm minh, nhanh chóng các vụ án, cần đi kèm với những công việc dài hạn, căn bản - sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật. Có như vậy, hiệu quả và tính bền vững của công tác chống tham nhũng, tiêu cực mới đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.