Hoại tử da do ngộ độc thuốc nam

GD&TĐ - Vừa qua, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ (40 tuổi) có các dát thâm hoại tử trên da.

Theo thời gian, các thương tổn xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng.
Theo thời gian, các thương tổn xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng.

Bệnh bắt đầu 9 ngày trước khi nhập viện. Người bệnh bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa phát hiện bệnh khác, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc.

Khi khởi phát, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên. Sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt.

Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Các niêm mạc không có thương tổn.

Bệnh nhân đau rát nhiều. Khám thấy bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp. Xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan.

Khai thác tiền sử cho thấy, một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc Đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được ba tuần, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu như trên.

Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ (55 tuổi) nhập viện Bệnh viện Da liễu Trung ương vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da. Bệnh diễn biến bảy ngày trước khi vào viện. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi.

Sau đó, các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước. Bệnh nhân có sốt cao. Khám lúc vào viện thấy dát đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa. Các niêm mạc không có thương tổn. Các xét nghiệm của bệnh nhân có hạ bạch cầu và tăng men gan.

Người bệnh cho biết, trước khi bị bệnh hai tháng có uống thuốc nam điều trị đau khớp. Sau đó, người bệnh có uống thuốc nam (dạng sắc), điều trị viêm dạ dày trong ba tuần.

Chưa phát hiện các bệnh lý khác. Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (corticoid toàn thân) kèm chăm sóc hỗ trợ.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết: “Ở cả hai trường hợp này, chúng tôi xác định nguyên nhân gây hoại tử thượng bì nhiễm độc là do thuốc nam gây dị ứng. Đây là những phản ứng nặng, thường do thuốc, có biểu hiện ở da, niêm mạc. Tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh”.

Theo chuyên gia này, tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỷ lệ tử vong rất cao, có thể tới 30%. Đáng báo động hơn khi ở Việt Nam, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn.

Thậm chí, dùng nhiều loại thuốc và các thuốc Đông y, dân gian không rõ thành phần. Điều đó khiến việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn.

Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới lúc khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới hai tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu báo cáo nhưng việc trộn các thuốc Tây y một cách có chủ ý vào các thuốc Đông y hoặc thuốc dân gian có thể xảy ra.

Tất cả các thuốc đều có thể gây dị ứng thuốc, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc không cần kê đơn. Chuyên gia này khuyến cáo, để đề phòng dị ứng thuốc thể nặng, người dân không nên tự ý mua các thuốc về dùng. Đồng thời, không nên sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.

Sữa tắm thơm nhà L'OccitaneKhám phá ăn gì để trắng da nhanh