Họa sĩ đường phố với trái tim thiên thần

GD&TĐ - Banksy là nghệ danh của một họa sĩ đường phố người Anh, một nhà hoạt động xã hội và là đạo diễn điện ảnh. Tiểu sử của anh đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, anh tên thật là Robert hay Robin Banks. Số khác thì khẳng định là Robin Cunningham. Dù tên thật là gì đi nữa, anh cũng là một tài năng hiếm thấy.

Họa sĩ đường phố - Banksy
Họa sĩ đường phố - Banksy

Tài “bôi bẩn đường phố”

Banksy sinh năm 1974 tại thành phố Bristol của Anh. Hồi cuối thập niên 1990, trong một thời gian dài, Banksy theo đuổi nghề viết lách với hy vọng sẽ trở thành nhà văn.

Vừa viết văn, anh vừa vẽ tranh, và thích nhất là vẽ tranh trên những bức tường hai bên đường phố. Không ngờ, tài năng hội họa của anh lại tỏ ra vượt trội hơn bút lực văn chương. Nhưng vẽ tranh ngoài đường phố thì phải đối diện với cảnh sát, có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí phạt tù.

Lần nọ, đang vẽ dở một bức “bích họa” khá hoành tráng trên đường phố London, thoáng thấy bóng cảnh sát đi tuần từ xa, Banksy vội chuồn ngay vào dòng người đang qua đường.

Sang đến bên kia đường, anh ngoái lại nhìn, thấy một đám đông cảnh sát cùng những người hiếu kỳ đang xúm quanh bức tranh vẽ dở trên tường. Banksy mạo hiểm trở lại chỗ ấy xem người ta bàn tán thế nào về “họa phẩm chưa hoàn thành”.

Đúng lúc ấy, ông thị trưởng đi ngang qua, thấy đám đông lộn xộn bèn cho dừng xe lại, bước xuống hỏi nguyên cớ. Cảnh sát thưa rằng có kẻ đã bôi bẩn đường phố. Ông thị trưởng ngắm nghía tác phẩm dang dở rồi gật gù: “Không phải bôi bẩn đâu. Thành phố chúng ta rầt cần những tác phẩm nghệ thuật đường phố như thế.

Tiếc là tác giả chưa kịp hoàn thành bức vẽ…”. Nghe thấy thế, Banksy đánh liều nói: “Thưa ngài thị trưởng, nếu ngài và các ông cảnh sát cho phép, tôi xin thay thế tác giả vẽ nốt bức tranh ạ”. Đám đông reo hò phấn khích, ngài thị trưởng cũng vui vẻ gật đầu. Thế là Banksy giở đồ nghề ra, tự do múa cọ.

Khi vẽ xong, Banksy ký ngay tên mình vào góc dưới họa phẩm. Công chúng lại hò reo, ngài thị trưởng bắt tay chúc mừng, cảm ơn, bấy giờ chàng mới dám thú thực mình là tác giả thật sự của bức tranh này, cùng nhiều bức khác trên đường phố London và đang bị cảnh sát truy lùng để phạt. Ngài thị trưởng hứa sẽ cấp giấy phép chính thức cho anh và đề nghị anh hợp tác với tòa thị chính để trang điểm cho những đường phố của London.

Từ sau khi được cấp phép vẽ tranh trên đường phố, Banksy càng say mê sáng tác và tài năng hội họa của anh ngày một nảy nở. Đặc biệt, những bích họa của anh đều thể hiện những chủ đề xã hội vô cùng sắc bén khiến chẳng bao lâu sau, tên tuổi của anh được biết đến rộng rãi không chỉ ở Anh mà còn trên khắp thế giới.

Tác phẩm Lao động nô lệ

Tác phẩm Lao động nô lệ

Thử tay nghề đạo diễn

Ngoài hội họa, Banksy còn có niềm mê say điện ảnh. Anh không chọn nghề diễn xuất hay quay phim mà chọn làm đạo diễn, và không chọn thể loại phim truyện mà chọn phim tài liệu. Ý thức công dân và những chủ đề xã hội trong các tác phẩm hội họa đã hướng anh đi theo con đường đó.

Năm 2010, Banksy tham gia Liên hoan phim quốc tế Berlin với cuốn phim Exit Through the Gift Shop. Tựa đề này cũng chính là tên gọi của một ban nhạc Anh khá nổi tiếng.

Mặc dù chỉ nhận được giải thưởng phụ của Ban giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất nhưng sau đó, bộ phim này lại được Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ đề cử giải Oscar -2011 cho hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất (nhưng cuối cùng đã không vượt qua được vòng chung khảo).

Banksy đã gửi tặng ban nhạc Exit Through the Gift Shop một tác phẩm của mình như một hình thức trả tác quyền cho tên gọi của bộ phim và được các thành viên ban nhạc này hoan nghênh nhiệt liệt.

Cái tên đáng giá triệu đô

Như đã nói, tên thật của Banksy cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với tuyệt đại đa số công chúng thưởng thức tranh anh.

Vào tháng 1/2011, trên Internet xuất hiện thông tin cho biết, có một món hàng bất thường đã được đấu giá trên eBay - một mảnh giấy ghi tên thật của Banksy. Chủ nhân của nó là một người Mỹ ẩn dưới nick Jaybuysthings, đã khẳng định rằng đây là tên thật 100% của Banksy. Giá khởi điểm của món hàng là 3.000 USD. Sau 38 lần được xướng, giá đã được nâng lên đến 999.999 USD!

Vào tháng 10/2011, khi một trong những bức tranh đường phố của Banksy ở thành phố Bristol bị bôi đen, người dân nơi đây coi đó là một hành động phá hoại. Trước đó, những chủ nhà ở Bristol, dưới áp lực của công chúng đã buộc phải cam kết bảo vệ nghệ thuật đường phố trên các bức tường nhà mình.

Vào tháng 6/2013, bức họa Lao động nô lệ, được Banksy vẽ vào tháng 5/2012 nhằm đáp lại buổi lễ xa hoa kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, đã được mua với giá hơn 750 nghìn bảng Anh.

Tháng 10/2013, Banksy đã tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của mình trên đường phố New York. Mỗi ngày trong tháng ấy xuất hiện ít nhất một tác phẩm: tranh phun sơn, tranh kết hợp nghệ thuật sắp đặt, tạo hình nghệ thuật và video nghệ thuật. Banksy cũng đưa ra các tác phẩm trên trang web của mình, kèm những lời bình luận hài hước.

Ngày 20/10/2014, trang web châm biếm và hài hước của National Repost thông báo rằng, Banksy đã bị bắt giam và thẩm vấn. Thông tin cho hay, trong một chiến dịch truy lùng những kẻ phá hoại ở Watford, cảnh sát đã bắt giữ một nhóm 5 người, trong đó có Banksy. National Repost tuyên bố rằng tên thật của họa sĩ này là Paul Horner, 35 tuổi, đến từ Liverpool.

Nhưng trên trang web BBC, được National Repost nhắc đến, không có tin tức gì về việc Banksy bị bắt giữ. Các ấn phẩm của Anh cũng phớt lờ tin vịt ấy. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Nga thì lại rất hào hứng với tin tức giật gân này.

Triển lãm - lợi và hại

Ngày 22/8/2015, Banksy đã mời 50 họa sĩ cùng mở cuộc triển lãm hài hước tại công viên giải trí Dismaland, với chủ đề ngày tận thế và các vấn đề xã hội có tính thời sự. Triển lãm mở cửa suốt 5 tuần, kèm với một chương trình chiếu phim rầm rộ, có sự tham gia của các ban nhạc Pussy Riot và Massive Attack.

Ngày 19/7/2002 tại Los Angeles, trong phòng tranh “33 1/3”, là triển lãm cá nhân đầu tiên của Banksy. Triển lãm mang tên Chủ nghĩa hiện sinh được phòng tranh “33 1/3”, cũng như các tổ chức Malathion, Funk Lazy Promotions và B+ bảo trợ.

Trong năm 2003, triển lãm có tên gọi Cuộc chiến sân cỏ, được tổ chức trong một nhà kho. “Hiện vật” trưng bày là những con bò mà Banksy đã vẽ trên lưng khi chúng ung dung gặm cỏ ngoài đồng, và hành động này đã gây ra nhiều phản ứng bất bình.

Banksy gặt hái rất nhiều thành công, nhưng cũng hứng chịu không ít lời chỉ trích.

Peter Gibson, đại diện của Keep Britain Tidy, một tổ chức đấu tranh cho việc giữ gìn sạch sẽ môi trường công cộng, tuyên bố rằng những tác phẩm đường phố của Banksy là kết quả của hành vi phá hoại, và Diana Shakespeare, cũng thuộc tổ chức này, phát biểu: “Chúng tôi lo ngại rằng nghệ thuật đường phố của Banksy sẽ tôn vinh những hành vi phá hoại”.

Năm 2010, trong khi Bảo tàng Bristol tổ chức bán các tác phẩm triển lãm, hai bức tranh của Banksy đã bị phá hoại - một người nào đó đã bắn chúng bằng súng phun sơn. Người ta đoán rằng hành vi này được thực hiện bởi một người hâm mộ của câu lạc bộ bóng đá Bristol Rovers mà Banksy thường công khai chê bai là chơi quá kém.

Trái tim thiên thần

Banksy có mối quan hệ thâm giao với các họa sĩ Nga, đặc biệt là với những họa sĩ đường phố như mình. Năm 2010, khi nhóm họa sĩ Nga có tên Voyna (Chiến tranh) bị bắt giam vì “hành vi phá hoại”, Banksy đã gửi tiền bán bức tranh Choose Your Weapon (Hãy chọn vũ khí cho mình) sang Nga giúp họ nộp phạt.

Năm 2013, khi họa sĩ đường phố trẻ tuổi nổi tiếng người Nga có bút hiệu Pasha 183 qua đời vì bạo bệnh, Banksy đã vẽ bức tranh P183 R.I.P để tưởng niệm người bạn thân thiết của mình. Được biết, người Anh gọi Pasha 183 là Banksy của nước Nga và ngược lại, người Nga cũng gọi Banksy là Pasha 183 của nước Anh.

Banksy lập kỷ lục về giá tranh của mình vào năm 2008, khi bức Kiểm soát dịch hại của anh được bán đấu giá, thu về 1,9 triệu USD. Tiếp đó, năm 2013, bức Lao động nô lệ được Bảo tàng điện ảnh London mua với giá 750 nghìn bảng Anh (tương đương 1,1 triệu USD).

Ngày 12/10/2013 Banksy đã tổ chức một cuộc bán “bí mật” các tác phẩm của mình gần Central Park ở New York.

Người qua đường có thể mua bất kỳ bức tranh nào của Banksy với giá chỉ 60 USD. Họ cứ tưởng đó là tranh chép, không hề nghĩ rằng những tác phẩm này là bản gốc, và giá trị thực của mỗi bức không dưới 30 nghìn USD.

Chỉ trong một ngày của cuộc thương mại “bí mật”, Banksy đã bán được 8 bức tranh của mình cho ba khách hàng.

Banksy vẽ tranh trên vách ván khu nhà ổ chuột Mexico

Banksy vẽ tranh trên vách ván khu nhà ổ chuột Mexico

Banksy là thủ môn của đội bóng đá nghiệp dư Bristol Cowboys and Cowgirls. Năm 2001, đội đi du lịch ở Mexico và tham gia một trận đấu với đội bóng Quân Giải phóng Quốc gia Zapatista. Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh cho tự do của nhóm các nhà cách mạng trẻ, Banksy đã tạo ra một kiệt tác nghệ thuật đường phố ở khu ổ chuột của Mexico City.

Các nghệ sĩ nổi tiếng cũng rất mê tranh của Banksy. Năm 2006, Angelina Jolie đã chi tổng cộng hơn 300 nghìn USD cho tranh của anh. Trong bộ sưu tập của nữ ca sĩ diễn viên Christina Aguilera có 3 tác phẩm của Banksy, trong đó có bức “Nữ hoàng Victoria – lesbian” mà cô đã mua với giá 38.000 USD.

Mẹ của anh do không biết con mình là họa sĩ đường phố nổi tiếng Banksy, và chính bà cũng phản đối “những hành vi làm bẩn nơi công cộng”, nên thấy con đi làm về với quần áo dính bẩn đủ thứ màu, bà hỏi nguyên nhân, Banksy buộc phải nói dối mẹ là mình làm thợ sơn ở các công trình xây dựng.

Banksy đặc biệt cảm thông với những người khiếm thị, anh dành nhiều tiền bán tranh để hiến cho các tổ chức từ thiện chuyên chữa mắt cho người mù.

Lần nọ, Banksy “vẽ” trên một bồn nước bỏ hoang ở Los Angeles dòng chữ: “Nó giống như một con voi”. Một người đàn ông nghèo tên là Tachoma Covington đã sống trong bồn chứa này suốt 7 năm. Sau khi có dòng chữ của Banksy, một đại gia đã mua lại chiếc bồn và đuổi Covington ra khỏi đó.

Rất ân hận, Banksy đã biếu người vô gia cư này một khoản tiền đủ để mua một căn hộ nhỏ ở ngoại ô. Trong một cuộc phỏng vấn với Independent, Covington cho biết: “Với tôi, không ai tốt bằng Banksy... Anh ấy là một thiên thần”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.