Hóa phép đất ruộng thành thổ cư, ai buông lỏng quản lý đất đai?

GD&TĐ - Ngay giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, chỉ trong một tổ dân phố thuộc phường Phan Đình Phùng đã có tới 02 khu đất lúa được các đối tượng “có máu mặt” mua gom rồi chuyển đổi sang đất thổ cư một cách nhanh chóng để phân lô bán đất nền mà chính quyền dường như không hay biết.

Dưới tấm biển quảng cáo của “dự án ma” là một trong 02 mảnh đất đã được các đối tượng mua gom bán cho người dân.
Dưới tấm biển quảng cáo của “dự án ma” là một trong 02 mảnh đất đã được các đối tượng mua gom bán cho người dân.

Ai tiếp tay

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất lúa dần biến mất, thay vào đó là các khu đô thị, khu dân cư mọc lên như nấm. Tuy nhiên, việc quy hoạch, cấp phép xây dựng những dự án này vẫn còn tồn tại nhiều điều bất thường, đang dần phá vỡ vóc dáng của một đô thị loại I như thành phố Thái Nguyên.

Đành rằng, đất lúa xen kẹp trong khu dân cư, khu đô thị người dân không canh tác được hoặc canh tác thì cũng kém hiệu quả, do đó việc chuyển đổi mục đích loại đất này là có thể dễ được chấp nhận.  

Nhưng để làm được việc này, người chủ đất sẽ không dễ mà làm được. Ngoài việc  phải mất rất nhiều công sức, tiền của, thời gian mà chưa chắc có thể là được việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư theo đúng hạn mức.

Tuy nhiên, ở TP Thái Nguyên đang xuất hiện một số đối tượng đứng ra mua gom đất nông nghiệp xen kẹp để chuyển đổi một thửa ruộng thành nhiều bìa đỏ đất thổ cư và tự ý phân lô bán nền với số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm lô với giá trị cao gấp cả… trăm lần.

Để hiểu rõ vấn đề này, PV đã tìm gặp được ông Nguyễn Văn Lợi, Hội trưởng Hội nông dân tổ 37, ông tâm sự: “Trước kia gia đình tôi có 3 sào đất 2 lúa, nằm sát khu vực tổ 36 hiện đã bán hết cho anh Đạo. Anh Đạo mua gom cho chị Thùy hay ai đó tôi cũng không rõ rồi họ lập lên dự án Khu cư dân La Rosavila.

Tại thời điểm bán 3 sào đất lúa giá chỉ có 600.000 đồng/m2, hộ bán cao nhất được 1.000.000 đồng/m2.

Trước đó, 6 hộ có ruộng xung quanh họ cũng đều đã bán hết nên tôi buộc phải bán theo. Bình thường, đất lúa canh tác kém hiệu quả để dân chúng tôi tự đi xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư rồi đem phân lô bán đất nền cao gấp hàng trăm lần như hiện nay thì chắc dân chúng tôi chẳng ai làm được việc đó”.

Cánh đồng lúa trước kia nay đã bị san phẳng đang chờ giao bán tại tổ 37.
 Cánh đồng lúa trước kia nay đã bị san phẳng đang chờ giao bán tại tổ 37.

Ai được hưởng lợi ?

Đi tìm câu trả lời cho những dự án mọc lên bất thường trên đất lúa, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên, ông Sơn cho biết: “Việc mua bán chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp tại 02 vị trí trên địa bàn tổ 37 như các anh nêu là có, các giấy tờ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phường không nắm được, dân không qua phường nếu muốn biết rõ việc này anh phải làm việc với phòng tài nguyên môi trường thành phố.

Phường chỉ biết được thông tin về mảnh đất khi cơ quan thuế gửi thông báo cho các hộ dân còn nợ thuế chuyển đổi mục đích, và người dân mua đất ở tại khu vực đó lên phường xin giấy phép xây dựng.

Riêng đối dự án Khu cư dân La Rosavila của Công ty cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Đại Hưng chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu dự án thực sự chưa được cấp phép mà đã treo biển quảng cáo bán đất tại 02 điểm thuộc khu vực tổ 36 thì UBND phường sẽ cho tháo dỡ”.

Theo nguồn tin của PV tìm hiểu, diện tích đất lúa được các đối tượng mua gom hiện vẫn thể hiện trên bàn đồ địa chính phường đang quản lý là đất lúa. Tổng số đất thu gom bao gồm 8 thửa ruộng của 7 hộ gia đình nằm gọn trong cái gọi là dự án Khu cư dân La Rosavila của Công ty cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Đại Hưng có tổng diện tích trên 4.459m2. Diện tích còn lại của khu đô thị mini tự phát được mua gom từ 7 thửa ruộng của 7 hộ gia đình với tổng diện tích cũng trên 4.111m2.

Để minh chứng cho những gì người dân phản ảnh là đúng, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên khẳng định với phóng viên: “Dự án Khu cư dân La Rosavila của Công ty cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Đại Hưng hiện tỉnh Thái Nguyên chưa có Quyết định phê duyệt dự án, chưa có quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư nào cấp cho Công ty này”.

Khu đô thị mini tự phát trên đất lúa.
 Khu đô thị mini tự phát trên đất lúa.

Vô hình chung việc tiếp tay chuyển đổi các thửa đất lúa ra thành nhiều bìa đỏ đất ở của UBND thành phố Thái Nguyên để các đối tượng dễ dàng phân lô bán đất nền mà không phải lập dự án, phê duyệt quy hoạch, thuê đất, không phải bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Như vậy, nghiễm nhiên những “dự án ma” sẽ được công nhận tồn tại và ngày một phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, dẫn đến việc không đảm bảo được kết nối với hệ thống hạ tầng của khu vực, trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng nhà ở và các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Vậy việc chuyển đổi đất lúa trên có nằm trong kế hoạch được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua và cho phép hay không, ai là người tiếp tay cho việc chuyển đổi, lập các “dự án ma”.

Dư luận và người dân rất mong các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.