Theo đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 9-12/10, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa to đến rất to dẫn tới ngập lụt, gây sạt lở đất đá nghiêm trọng.
Trận ngập lụt lịch sử này đã làm 46 người chết, bị thương và mất tích gồm 12 người bị thương và 34 người chết, mất tích. Trong đó, lực lượng chức năng tỉnh đã tích cực tìm kiếm và đã tìm thấy 29 thi thể nạn nhân, vẫn còn 5 nạn nhân mất tích ở huyện Đà Bắc chưa tìm thấy. Vụ sạt lở nghiêm trọng tại xóm Khanh, huyện Tân Lạc đã khiến 18 người bị vùi lấp, tử vong.
Theo thống kê, tính đến ngày 19/10, ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh là 1.630 tỷ đồng. Các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Kỳ Sơn có trên 3.100 hộ dân bị ngập lụt, mức ngập từ 1-3 m; trên 900 hộ bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở phải di dời. 100% diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó thiệt hại hoàn toàn có 2.669ha lúa, ngô, hoa màu; 457ha nuôi trồng thủy sản và 120 lồng cá bị nước lũ tràn, cuốn trôi; hàng nghìn con gia súc gia cầm bị chết…
Mưa lũ lịch sử cũng gây thiệt hại nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn khiến hơn 180 công trình bị hư hỏng nặng và thiệt hại hoàn toàn; 750 điểm sạt lở ta-luy dương với tổng khối lượng sạt lở khoảng 550.000 m3.
Để khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Hòa Bình cũng đã huy động khoảng 2.600 cán bộ, chiến sĩ, trên 750 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an tỉnh, 56 nhà bạt, 84 ôtô... để tham gia ứng cứu trong đợt mưa lũ vừa qua.
Tỉnh cũng kịp thời hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và mất tích; 2 huyện Tân Lạc và Đà Bắc mỗi huyện 1 tỷ đồng để khắc phục thiên tai. Ngoài ra, đã có 4 tỷ đồng tiền ngân sách tạm ứng giúp hỗ trợ khắc phục sạt lở đường giao thông; tạm ứng 12 tỷ hỗ trợ 180 hộ di dân tái định cư ở huyện Đà Bắc.
UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện 100% số hộ dân phải di dời đã được bố trí chỗ ở tạm thời, được cung cấp thuốc men, lương thực, quần áo và các nhu yếu phẩm khác, đảm bảo không bị đói.