Cụ thể, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng (theo hình thức tập trung hoặc tập trung kết hợp với hình thức trực tuyến) cho 100% cán bộ quản lí, giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông mới trước thời điểm triển khai áp dụng ở từng lớp theo lộ trình.
Thời gian cụ thể như sau: Trước tháng 7/2020 đối với giáo viên dạy lớp 1; trước tháng 7/2021 đối với giáo viên dạy lớp 2, lớp 6; trước tháng 7/2022 đối với giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10; trước tháng 7/2023 đối với giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11; trước tháng 7/2024 đối với giáo viên dạy lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, lớp học, môn học theo lộ trình, thời gian thực hiện.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục và địa phương, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn toàn tỉnh; ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới ở các cấp học.
Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lí, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lí, giáo viên chưa đạt chuẩn.
Thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp đúng quy định; phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên đảm bảo chất lượng.
Lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới để tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà tại địa phương.