Rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí nhà trường
Có 249 phòng học bộ môn, hơn 1.000 phòng chức năng, 765 nhà vệ sinh dành riêng cho nam, nữ, học sinh, giáo viên đảm bảo cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại buổi làm việc chiều nay (9/7), giữa Bộ GD&ĐT và tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 26/7/2019 về thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025.
Ban hành các Kế hoạch, xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV. Sở GD&ĐT bố trí nguồn ngân sách của tỉnh về cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư 05/2019/BGD&ĐT cho 30 trường khó khăn, các trường còn lại do ngân sách của các huyện, thành phố thực hiện.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GD&ĐT tham mưu, đề xuất với UBND huyện, thành phố thực hiện rà soát các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị đồ dùng dạy học theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT. Bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, quan tâm vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.
Tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí nhà trường, tiếp tục tham mưu UBND các huyện, thành phố bổ sung cơ sở vật chất các điểm trường một cách thiết thực, tránh lãng phí, đặc biệt quan tâm xây dựng nhà vệ sinh cho các điểm trường lẻ. Bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất hiện có một cách khoa học, phù hợp, sử dụng hiệu quả, khai thác tối đa công năng của các phòng chức năng, phòng học bộ môn cho cả hai cấp học.
Riêng đối với cấp tiểu học, hiện có hơn 3.400 phòng học, đạt tỷ lệ 1,04 phòng/lớp; 100% phòng học đạt theo tiêu chuẩn quy định, an toàn, có đủ bàn ghế phù hợp với học sinh, có bảng, bàn ghế của giáo viên, đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh;
100% trường tiểu học, trường TH&THCS có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT, có sân chơi, sân tập với diện tích phù hợp, được sử dụng thường xuyên, có môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước.
Đảm bảo về số lượng giáo viên
Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, đề xuất kế hoạch tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Tỉnh đã mời các chuyên gia đầu ngành về tập huấn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD&ĐT, 234 hiệu trưởng các trường Tiểu học, trường Tiểu học và Trung học cơ sở, 260 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tập huấn cho 100% tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tiếp cận và nắm bắt được nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh cơ bản đã đảm bảo về số lượng, được tập huấn đầy đủ, sẵn sàng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đối với cấp tiểu học, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết, từ năm 2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức 54 lớp bồi dưỡng với 1893 lượt cán bộ quản lý, giáo viên về bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học tích cực, các mô hình đổi mới, sáng tạo.
100% lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lí, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cấp tiểu học, đặc biệt là giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 đã được tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, xây dựng kế hoạch bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, kiểm tra đánh giá học sinh.
Năm 2020, tiếp tục cử 23 cán bộ quản lý, 192 giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng tại Học viện Quản lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên); phối hợp với các Nhà xuất bản bồi dưỡng cho 718 cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, Phối hợp với tập đoàn Bưu chính Viễn thông Viettel Hòa Bình tổ chức bồi dưỡng trực tuyến cho trên 1.600 cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020-2021.
"Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu đổi mới, 100% đạt trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 80,4%. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 80,4%; tỷ lệ giáo viên trên lớp đạt 1,42 giáo viên/ lớp" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương.