Hỗ trợ tín dụng: Cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng than… khó

Hỗ trợ tín dụng: Cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng than… khó

Các doanh nghiệp đang mong chờ lãi suất tiếp tục giảm, trong khi các ngân hàng ở vào tình thế tốc độ tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng thương mại đứng yên hoặc giảm do nhu cầu tín dụng thấp.

Chưa biết vay vốn để… làm gì?

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện mới có khoảng 20% số doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp cận được gói hỗ trợ. Hiện nhu cầu tín dụng rất thấp, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì, hoặc không đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng, hay vẫn phải vay với mức lãi suất cao.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Du học E.T.A.S (Lò Đúc, Hà Nội) cho biết, sắp hết quý 2 nhưng tại các nước trên thế giới tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Thị trường chính của công ty đang đóng cửa, chưa tiếp nhận và cấp lại visa cho các du học sinh. Hơn 4 tháng nay công ty không có một đồng doanh thu nào.

Hầu hết các doanh nghiệp tư vấn du học đang bị dừng hoạt động vô thời hạn nhưng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì để giữ thị trường mà nhiều năm mới thiết lập được. Những doanh nghiệp này đang cần nguồn vốn thiết lập các thị trường mới với các nước dịch đã giảm bớt. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay được vốn ngân hàng theo các gói hỗ tín dụng.

Cũng giống như doanh nghiệp tư vấn du học, doanh nghiệp đào tạo lao động xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Văn Sỹ, giám đốc Công ty đào tạo xuất khẩu lao động Vinasem (Hà Nội) cho biết, hiện nay công ty đang duy trì hoạt động bằng nguồn học phí duy trì của các học viên chờ bay và tiền các cá nhân trong công ty. Từ khi xảy ra dịch cho đến nay, chưa có thị trường lao động nào hoạt động trở lại. Công ty mới nhận được thông báo thị trường Nhật Bản cuối tháng này mới tiếp nhận và cấp visa trở lại.

Cũng theo ông Sỹ, công ty đang rất cần vốn để dự trù cho hoạt động cầm cự trong quý 3 nhằm giữ và tìm thị trường lao động mới. Nhưng công ty không biết tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng như thế nào. Hiện chỉ có thể vay vốn ngân hàng với mức lãi suất 12%/năm. Với mức lãi suất này các công ty xuất khẩu lao động khó có thể vay được tại thời điểm này.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU (TP HCM) mong ngóng ngân hàng giảm lãi suất để có thể vay được vốn triển khai các chương trình ngoại khoá và kỹ năng mới. Nếu ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống mức 5%-7%/năm sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giáo dục phục hồi bởi những sản phẩm giáo dục cần thời gian để khách hàng tiếp nhận trở lại.

Ngân hàng cũng gặp khó

“Các ngân hàng tính toán lãi vay dựa trên chi phí huy động vốn cộng với lợi nhuận khoảng 3%. Do đó, giảm lãi suất là việc chia sẻ, chấp nhận bớt lợi nhuận của các ngân hàng vì khách hàng và cũng vì chính ngân hàng. Để vừa thực hiện chính sách này lại vừa giảm thiểu thiệt thòi về lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tìm cách giảm chi phí vốn nhiều nhất có thể và khéo léo tính toán mức giảm lãi vay phù hợp. Theo đó, ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động khi nhu cầu về vốn đầu vào không quá cao. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn hiện chiếm khoảng 20 - 30% tổng vốn huy động để cung ứng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp”. TS Nguyễn Trí Hiếu

Cho tới thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng các chính sách tiền tệ và tín dụng. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính không tránh khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Hiện dư nợ tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 0,68%, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng thương mại đứng yên hoặc giảm do nhu cầu tín dụng thấp. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,5 đến 1%. Giảm trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 0,25% đến 0,3%. Giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn trong những lĩnh vực ưu tiên 0,5%, đồng thời tăng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND.

Theo ngân hàng Thế giới, những chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp về dòng tiền và trả nợ vay. Gói hỗ trợ tín dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp lớn vì dư nợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp giáo dục. Khi các ngân hàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ sẽ tăng áp lực lên tỷ lệ thu nhập lãi cận biên và làm giảm lợi nhuận chung của ngân hàng.

Trong trường hợp dịch Covid-19 trên thế giới dự kiến kéo dài thì tăng trưởng tín dụng và tiền gửi sẽ tiếp tục giảm trong quý 2. Có thể đến quý 3 do các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực đình trệ. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với sự suy giảm kinh tế tạm thời. Tuy nhiên, lượng tài sản của ngân hàng có thể bắt đầu đi xuống do tỷ lệ nợ xấu trong danh mục tín dụng sẽ tăng cao nếu dịch kéo dài. Ngoài ra, một số ngân hàng có thể sẽ khó khăn hơn do tỷ lệ cho vay tương đối lớn trong các lĩnh vực du lịch và bất động sản, vốn đã bị ảnh hưởng mạnh do khủng hoảng.

Một số ngân hàng cũng không có đủ vốn tự có, làm hạn chế khả năng phục hồi. Hiện nay đang có một mối quan ngại là đảm bảo một mức độ an toàn tài chính nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng để tránh tình trạng thanh khoản kém dẫn đến phá sản doanh nghiệp.

Phân tích từ diễn biến hoạt động của các ngân hàng hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, song mức giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào ngân hàng. Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là kêu gọi giảm lãi suất chứ không bắt buộc phải giảm và càng không phải là giảm xuống dưới mức chi phí vốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ