Phá rào cản để giữ chân trò nghèo
Trên thực tế rào cản lớn nhất khiến học sinh vùng cao trong độ tuổi không thể đến trường là kinh tế gia đình quá khó khăn. Cuộc sống nghèo khó khiến nhiều em đang là học sinh THCS, THPT đã trở thành lao động chính trong gia đình. Nếu không có chính sách hỗ trợ tiền, gạo của Nhà nước thì con đường đến trường của các em sẽ còn tiếp tục gian nan.
Với mức hỗ trợ 15 kg gạo mỗi tháng (9 tháng/năm) và 40% mức lương cơ sở, chế độ hỗ trợ cho học sinh ở nội trú, bán trú theo Nghị định 116 đã đem lại hiệu quả trong việc duy trì tỷ lệ học sinh ở huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai).
Vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) vừa tiếp nhận 181 tấn gạo Nhà nước hỗ trợ cho các em học sinh các trường THPT và PTDT bán trú trên địa bàn. Đây là đợt hỗ trợ cho 4 tháng học kì 2, năm học 2022 - 2023 của huyện Si Ma Cai.
Năm học này, huyện Si Ma Cai có 14 trường tiểu học, 13 trường cấp THCS, 2 trường THPT, 1 trường phổ thông DTNT THCS&THPT và 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Trong đó, có 16 trường phổ thông DTBT và 12 trường có học sinh bán trú (2 trường THPT).
Tổng số học sinh được nhận hỗ trợ gạo theo Nghị định 116 là 3.071 em (trong đó có 2.491 em là học sinh các trường trực thuộc phòng GD&ĐT và 659 học sinh THPT).
Số gạo tiếp nhận đợt 2 của trường phổ thông DTBT Tiểu học số 1 Quan Hồ Thẩn. |
Đợt này, trường phổ thông DTBT Tiểu học số 1 Quan Hồ Thẩn được tiếp nhận 8,9 tấn gạo. Qua đó, nâng tổng số gạo tiếp nhận trong năm học này lên thành 19,9 tấn. Theo thầy Đặng Phương Đài, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường có 148 em ở bán trú. Do là học sinh tiểu học nên các em ăn ít hơn, trung bình mỗi tháng chỉ ăn hết khoảng 12kg. Còn lại 3kg mỗi tháng các em sẽ được mang về.
“Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Quan Hồ Thẩn còn 67%. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa, ngô. Ngoài việc học sinh đến trường được nuôi ăn, ở, các em còn được mang gạo về. Điều đó đã tạo sự đồng thuận của nhiều phụ huynh trong việc đưa con đến trường. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh nhà trường” – thầy Phạm Phương Đài chia sẻ.
Trường phổ thông DTBT THCS Lùng Thẩn hiện có 201 học sinh, trong đó 200 em là người Mông. Trường hiện có 155 học sinh bán trú. Năm học này, nhà trường đã nhận được gần 21 tấn gạo để nuôi học sinh.
Thầy Bùi Đức Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Lùng Thẩn là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của bà con chủ yếu là thuần nông. Trên cơ sở được hỗ trợ gạo và 40% mức lương cơ bản, học sinh ở bán trú có điều kiện để đến trường đông đủ. Từ đó, duy trì tỷ lệ chuyên cần của nhà trường bình quân trên 98%”.
Cũng theo thầy Kỳ, sau khi tiếp nhận, nhà trường có kế hoạch quản lý chặt chẽ toàn bộ số gạo. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra để gạo nấu cho học sinh đảm bảo an toàn.
Đồng bộ chính sách
Với đa phần là học sinh dân tộc thiểu số, công tác giáo dục dân tộc luôn được ngành GD&DT Lào Cai chú trọng. Từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có bước tiến bộ vững chắc, dần được khẳng định rõ nét cả ở vùng thấp và vùng cao.
Đặc biệt, đối với trường nội trú, bán trú, Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới hoạt động giáo dục đặc thù, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống. Chuyển mạnh sang hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quản lý thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, đặc biệt là thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Lào Cai đã triển khai thực hiện các mô hình mới như: “Trường bán trú dân nuôi - Lương thực cho em”; “Học sinh bán trú tự quản - Giúp nhau cùng tiến bộ”…
Để tổ chức tốt hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh được đảm bảo, ngoài chế độ chính sách của trung ương, địa phương, Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục cũng kêu gọi thu hút được nhiều nhà tài trợ để hỗ trợ học sinh.
Bữa cơm bán trú của trường phổ thông DTBT THCS Lùng Thẩn. |
Bên cạnh đó, công tác nội trú, bán trú từ phòng ở, nhà ăn, bếp nấu đến khu vệ sinh đều được các cơ sở giáo dục đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, an toàn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể tiếp tục được đổi mới, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Từ tháng 2/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn tạm dừng thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập cho đến khi địa phương này có quy định mới về thu học phí mới.
Đến ngày 10/3, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ học phí năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kinh phí hỗ trợ thực hiện từ nguồn ngân sách cấp tỉnh năm 2023 dành cho sự nghiệp giáo dục.
Theo đó, năm học 2022 - 2023 tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ 26,6 tỷ đồng học phí cho 122.588 trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, THCS và THPT ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Những chính sách hỗ trợ với học sinh vùng khó nói chung, số gạo hỗ trợ cho học sinh trường THPT có học sinh bán trú và trường phổ thông DTBT đã góp phần giảm khó khăn cho gia đình các em. Từ đó, tạo điều kiện để học sinh yên tâm học tập lâu dài. Nhà trường cũng ổn định được tỷ lệ chuyên cần".