Hiệu trưởng rút kinh nghiệm vụ tin nhắn được cho là kỳ thị giới tính

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TPHCM) đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm khi sử dụng câu từ trong công tác chỉ đạo hoạt động của nhà trường.

Ông Trịnh Duy Trọng thông tin tại buổi họp báo.
Ông Trịnh Duy Trọng thông tin tại buổi họp báo.

Chiều 3/11, tại buổi họp báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022 và công tác phòng chống dịch của TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM đã thông tin về vụ việc tin nhắn của hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM) gây ra sự hiểu lầm về phân biệt, kỳ thị giới trong nhà trường.

Cụ thể, ngay khi tiếp nhận thông tin sự việc, Sở GD&ĐT đã trực tiếp làm việc với bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, yêu cầu báo cáo bằng văn bản.

Theo chia sẻ của ông Trọng, tin nhắn là hiệu trưởng gửi cho các thầy cô chủ nhiệm, trong tình huống nhà trường đang cố gắng có những định hướng cho học sinh không để xảy ra những hành vi, cử chỉ vượt quá mức tình bạn trong cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, tin nhắn này lại được viết rất ngắn gọn, không lý giải được đúng tình huống hoạt động của nhà trường đang triển khai, tổ chức nên gây ra hiểu lầm có sự phân biệt kỳ thị về giới trong nhà trường.

“Trường THPT Dương Văn Thì cũng đã khẳng định không có sự phân biệt, kỳ thị về giới trong trường, đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc về sự việc, dù là tin nhắn trong nội bộ nhà trường nhưng lại tạo ra một vấn đề nhạy cảm và dễ gây hiểu lầm.

Hiệu trưởng nhà trường đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng từ ngữ, cũng như cẩn trọng trong công tác chỉ đạo hoạt động của nhà trường, ngay cả với những thông tin nội bộ”, ông Trọng chia sẻ.

Tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội.
Tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội.

Cũng theo ông Trọng, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì sẽ có buổi trao đổi trực tiếp với học sinh của trường, để các em hiểu được những tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương của thầy cô với các em. Nhà trường mong muốn các em được học tập trong một môi trường an toàn nhất để vui chơi, học tập và rèn luyện, không có bất kỳ sự kỳ thị hay phân biệt nào về giới trong trường.

Nhà trường sẽ luôn bảo vệ và đồng hành cùng với các em chống lại những hành vi có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, về tâm lý cũng như việc học của các em.

“Phía Sở GD&ĐT TPHCM sắp tới cũng sẽ có những trao đổi và rút kinh nghiệm trong đội ngũ cán bộ quản lý để các thầy cô triển khai tốt công tác quản lý, cũng như hoạt động của nhà trường. Đặc biệt là việc thông tin từ hiệu trưởng đến với các đối tượng trong nhà trường và các đối tượng trong nhà trường với nhau, với học sinh, cha mẹ học sinh tránh gây hiểu lầm”, ông Trọng cho hay.

Trước đó, dư luận xôn xao về yêu cầu bố trí chỗ ngồi của một hiệu trưởng khi hướng dẫn giáo viên thực hiện công tác quản lý lớp học.

Theo đó, trong tin nhắn, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM) yêu cầu giáo viên chấn chỉnh nhiều việc, gồm tận dụng tối đa bàn ghế trong lớp, tránh để những em lớn phải ngồi hai người một bàn, trong khi bàn ghế vẫn thừa; sử dụng 50% đèn vào các buổi trời sáng; kéo rèm cửa để tận dụng không khí và ánh sáng; mở điều hòa từ sau 9 giờ.

Ngoài ra, tại mục 2, hiệu trưởng có viết “không bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em có vấn đề giới tính (đồng tính nam/nữ) cần được bố trí ngồi riêng”.

Nhiều người cho rằng, nội dung này kỳ thị giới tính, điều không nên có trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên cũng có không ít người cho rằng đây là sự cần thiết để nhà trường quản lý lớp học tốt hơn, học sinh học tập hiệu quả hơn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.