(GD&TĐ) - Vượt qua những khó khăn nhất định của một tỉnh miền núi, trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả đáng tiến bộ. Toàn tỉnh hiện có 469 trường học với 6.691 lớp, 143.602 học sinh với 120.558 học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm 83,9%); 08 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT với 2.090 học sinh; 183 trường phổ thông có học sinh bán trú dân nuôi với 20.456 học sinh; 45 trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập năm 2011.
Cơ sở vật chất của các nhà trường, trung tâm từng bước đã và đang được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhu cầu đi học của con em đồng bào các dân tộc.
Từ nhu cầu thực tế của học sinh vùng cao...
Do đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nhất là địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư phân tán, xa trường học, xa trung tâm xã; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế..., cùng với những diễn biến phức tạp của tình hình di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh đi học và nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là việc học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh nhà ở xa trường không thể đi học và trở về trong ngày. Để theo học, các em phải ở nội trú tại các trường trên địa bàn xã, cụm xã hoặc xã lân cận. Do đó, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Ở Điện Biên, mô hình này đã giải quyết được một trong những khó khăn rất lớn của vùng dân tộc, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; đem lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động dân số trông độ tuổi đi học tới trường; duy trì sĩ số học sinh; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển giáo dục và đào tạo.
HS xã Mường Phăng yên tâm trọ học ở dãy nhà do nhà trường và gia đình HS chung tay xây dựng |
Đến ý nghĩa thiết thực của một mô hình
Mặc dù vấn đề giáo dục dân tộc đã được Chính phủ hết sức quan tâm nhưng mới chỉ giải quyết được nội trú cho một bộ phận nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số, đó là những trường dân tộc nội trú Nhà nước nuôi, được Nhà nước đài thọ toàn bộ. Trong nhiều năm qua, hệ thống trường này đã phát huy tác dụng, nhưng số lượng học sinh dân tộc thiểu số được vào đây chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Phần lớn học sinh đều ở xa, địa bàn khó khăn, muốn các em đi học đều, hiệu quả thì phải tổ chức cho các em ăn ở tại trường. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các em về cơ sở vật chất, việc được ở nội trú tại trường còn giúp các em được giao lưu nhiều hơn, theo đánh giá của chúng tôi, đây là vấn đề hết sức quan trọng, giúp các em được tổ chức trong một nếp sống văn minh hơn. Những kỹ năng sống như ăn uống, ngủ, nghỉ đều được hướng dẫn. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để tự trang trải cuộc sống. Thông qua hoạt động sống trong môi trường nội trú, kỹ năng sống của các em được tăng cường. Đặc biệt kỹ năng sủ dung tiếng việt của các em được nâng cao rõ rệt. Đây là điều kiện quan trọng để các em có thể tiếp thu chương trình giáo dục tốt hơn.
Xác định tầm quan trọng của mô hình này, ngày 11/7/2009 UBND tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công Hội thảo toàn quốc về mô hình trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi tại thành phố Điện Biên Phủ. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Mô hình học sinh nội trú dân nuôi là một trong những sáng tạo rất có ý nghĩa, cần nhân rộng và tập trung làm tốt để nuôi dưỡng những ước mơ tri thức cho con em đồng bào các dân tộc thiều số đang gặp khó khăn.
Xã hội hoá các nguồn lực đầu tư cho học sinh nội trú dân nuôi
Trong những năm vừa qua, nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của mô hình nội trú dân nuôi đối với việc nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương, đã được nâng lên rõ rệt. Ngân sách chi cho các trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi, nguồn vốn đầu tư nhà ở, nhà bếp, các công trình vệ sinh, nước sạch và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, học tập cho học sinh cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các Sở, Ngành quan tâm ưu tiên đặc biệt. Điều đó được thể hiện qua các hành động như hỗ trợ nhân lực, vật chất đầu tư cho khu nội trú dân nuôi, hỗ trợ các trường có học sinh nội trú dân nuôi... Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 1.409 phòng ở cho học sinh nội trú, trong đó trên 50% là kiên cố, bán kiên cố; 02 huyện Tủa Chùa và Mường Ảng có đủ cơ sở vật chất cho học sinh nội trú dân nuôi như: Nhà ở, nhà bếp, nhà vệ sinh, công trình nước và đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt kèm theo; nhiều trường thuộc các huyện còn lại cũng đã được đầu tư hệ thống khu nội trú đồng bộ, đủ tiện nghi.
Bên cạnh đó, phải kể đến nguồn vốn đầu tư cho hệ thống nhà ở phục vụ học sinh nội trú dân nuôi cơ bản được thực hiện thông qua hình thức xã hội hoá từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông quân đội (Viettel), Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân Xuân Trường tỉnh Ninh Bình,...
Tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh thường xuyên nhận được sự quan tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên; học sinh có nhiều thời gian đầu tư cho việc học và các hoạt động tập thể, có đủ hơn điều kiện học tập, môi trường tập thể thân thiện, giúp tăng khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá các dân tộc; nhận thức về xã hội, pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, thẹ sự đã thu hút, hấp dẫn học sinh. Các em học sinh ngơài học văn hoá còn được tham gia sinh hoạt tập thể, biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Thông qua các hoạt động tập trung tại trường học sinh dần thay đổi nhận thức và đổi mới trong tập quán sinh hoạt.
Chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi được đầu tư đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ bỏ học, lưu ban giảm đáng kể, đặc biệt là tỷ lệ học sinh gái người dân tộc thiểu số theo học hơn. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào trường phổ thông DTNT huyện, tỉnh và các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp tăng bền vững. Điều này góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo vững chắc các chỉ số theo quy định đạt chuẩn quốc gia về phổ cập.
Và những điều còn trăn trở...
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 186 trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi với trên 20.000 học sinh là con em các dân tộc thiểu số thuộc địa bàn vùng cao, biên giới và đặc biệt khó khăn. Để đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở cho các em cần có trên 2.500 phòng ở, nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 1.409 phòng ở, với trên 50% là kiên cố, bán kiên cố và chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Phòng ăn được xây dựng kiên cố hóa ở trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Mường Chà. |
Như vậy, còn trên 13.000 học sinh chưa có nhà nội trú phải ở nhờ, thuê trọ hoặc dựng lều tạm để ở. Hệ thống lều lán này cơ bản làm bằng vật liệu tạm (tranh tre, nứa, lá) nên thiếu an toàn; không đảm bảo về diện tích, ánh sáng, mỹ quan làm ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt, sức khoẻ cũng như chất lượng học tập của các em học sinh.
Tại Hội thảo hướng dẫn triển khai Quyết định số 85/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức tại tỉnh Điện Biên cuối tháng 8/2011 vừa qua, ông Phạm Xuân Kôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng Điện Biên vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đối với học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Để từng bước khắc phục thực trạng thiếu chỗ ở cho học sinh bán trú, ngày 05/02/2009 UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định số 105/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đầu tư hệ thống nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi tỉnh Điện Biên giai đoạn 2009-2013 và đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, do là một tỉnh nghèo với hơn 90% ngân sách được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh không chủ động được kinh phí nên công tác triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... Với thực tế nêu trên ở Điện Biên nói riêng và các tỉnh có học sinh bán trú trên cả nước nói chung, việc triển khai Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú là vấn đề rất cần thiết, mang tính chiến lược lâu dài đối với công tác giáo dục dân tộc, ở những địa bàn khó khăn.”.
Nông Bích Hà
(Ban Chỉ đạo Tây Bắc)