Hiệu quả số hóa bảo tàng với công nghệ 3D

GD&TĐ - Công nghệ 3D được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp cho bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật khô cứng mà còn là một môi trường để khách tham quan có những trải nghiệm lý thú. 

Hiệu quả số hóa bảo tàng với công nghệ 3D

Hiện nay tại Việt Nam, một số bảo tàng đã ứng dụng công nghệ số này đối với việc kết nối thuyết minh, thuyết trình các hiện vật trong những thời kỳ lịch sử tới du khách.

Hiệu quả mang tên 3D

Trên thế giới, tại nhiều bảo tàng các cốt truyện, thông tin về hiện vật đã được lồng ghép cùng hình ảnh, video sống động. Bên cạnh những gian trưng bày truyền thống, các bảo tàng đang không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa tư liệu, thông tin về hiện vật trong bảo tàng. Nhiều bảo tàng đã trang bị màn hình lớn để khách tham quan có thể tra cứu thông tin dễ dàng. Rõ ràng vấn đề số hóa các bảo tàng sẽ mang đến những ứng dụng tiện ích đối với việc trưng bày triển lãm các hiện vật.

Ưu điểm của việc áp dụng công nghệ 3D đó là cho phép bất cứ điều gì có thể nhìn thấy trong không gian thực đều có thể được mô hình hóa trong không gian 3D ảo và đã trở thành một công cụ hữu hiệu để gắn kết công chúng với bảo tàng. Nếu thực hiện áp dụng công nghệ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến tham quan được ngắm nhìn, tương tác với nhiều hiện vật hơn.

Hơn nữa, những yếu tố về thiên tai, về thời gian hay lịch sử… cũng là những rào cản khiến cho việc lưu trữ bảo tồn các hiện vật gặp nhiều khó khăn. Song nếu chúng ta biết áp dụng một cách hợp lý việc đưa công nghệ 3D này vào lĩnh vực bảo tàng sẽ tạo ra những đột phá trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Viện Goethe tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Thiết kế chuyển động 3D cho các bảo tàng và trưng bày”. GS Thomas Kersten đến từ Trường ĐH Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ: Công nghệ 3D đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong lĩnh vực bảo tàng.

Hiện ông và các đồng nghiệp Đức đang thực hiện để đưa các hiện vật - di vật khảo cổ ở Việt Nam vào thế giới thị giác - mô hình 3D thông qua ví dụ thực tế. Sắp tới đây là việc thiết kế chuyển động 3D sẽ được áp dụng cho các hiện vật trưng bày tại triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ khai mạc tại CHLB Đức cuối năm 2016.

Mạnh dạn thử nghiệm

Tại Việt Nam, trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ này vào vấn đề số hóa các hiện vật trưng bày đó là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Việc áp dụng thông qua các bước đó là: Số hóa các hiện vật; Lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; Và tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu.

Việc trưng bày ảo phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng Internet và các phương tiện khác. Nhờ việc áp dụng này mà vấn đề bảo quản cũng như trưng bày, giới thiệu các hiện vật tới khách tham quan có nhiều thuận lợi hơn.

Bảo tàng Dân tộc học lại áp dụng sáng tạo công nghệ này đối với việc trưng bày các hiện vật xuyên suốt giữa quá khứ và hiện tại. Bên cạnh việc trưng bày hiện vật của quá khứ, bảo tàng mang đến sự tương tác gắn kết giữa quá khứ và hiện đại giữa hiện vật - với khách tham quan.

Điều độc đáo trong công tác đổi mới cách trưng bày là bên cạnh những hiện vật thật trong thuyết minh trình bày theo công nghệ 3D, hoạt động của bảo tàng còn gắn liền với việc giới thiệu các sinh hoạt cộng đồng của nhiều dân tộc anh em. Tại đây, nhiều lễ hội và các nghi thức độc đáo của từng vùng miền được phục dựng một cách sống động, gần gũi với cuộc sống.

Gần đây, Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ 3D trong việc trưng bày và triển lãm các hiện vật. Mỗi hiện vật trưng bày sẽ được tái hiện sống động bằng công nghệ 3D giống như một rạp chiếu phim thu nhỏ.

Khách tham quan có thể vận dụng các giác quan như mắt nhìn hiện vật, tai nghe thuyết minh để tưởng tượng về từng câu chuyện. Như vậy việc áp dụng công nghệ 3D trong việc số hóa các hiện vật và di tích sẽ góp phần tạo điểm nhấn trong quá trình bảo tồn cũng như trưng bày triển lãm di sản lịch sử văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ