Hiệu quả bất ngờ từ cách học thông qua chơi

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ học sinh chia sẻ, giúp con học và chơi không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ mà còn cho cả người lớn.

Một trong nhiều hoạt động dạy và học sáng tạo cho trẻ mầm non trong bộ tài liệu được VVOB thiết kế.
Một trong nhiều hoạt động dạy và học sáng tạo cho trẻ mầm non trong bộ tài liệu được VVOB thiết kế.

>>> Cách vừa học vừa chơi với con hiệu quả

>>> Truyền năng lượng đến lớp từ cách 'học thông qua chơi

>>> Xây dựng kỹ năng cho trẻ mầm non từ trò chơi

Cân bằng giữa học và chơi

Học nhiều lý thuyết sẽ khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi và chán nản, nhưng chơi nhiều hơn việc học sẽ khiến trẻ quên việc chính vẫn là học tập. Vì vậy, cần làm sao để trẻ vừa học vừa chơi hiệu quả, cân bằng giữa học và chơi bằng cách sắp xếp thời gian hợp lý, lập ra những kế hoạch và mục tiêu rõ ràng.

Tự tạo cho trẻ một khung giờ giải trí nhất định, sau giờ đó sẽ dành cho những hoạt động khác, giúp trẻ dần theo một nền nếp và cân bằng giữa chơi và học.

Anh Võ Thanh Vinh - phụ huynh một học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (TPHCM) mới biết đến “học thông qua chơi” khi tham gia ngày hội tại trường của con anh theo học.

Anh Vinh chia sẻ, chương trình này tạo cho các bé hứng thú để học tập. Trẻ đang ở tuổi thích được chơi, nên điều đó giúp các con tạo sự phấn khích, tiếp thu kiến thức tốt và nhớ lâu hơn.

Thực tế, anh Vinh đã áp dụng với các bé từ nhỏ. Khi các con đang vui chơi, anh sẽ lồng ghép một số ví dụ như toán, cộng trừ hay một số bài toán đơn giản khác. Anh Vinh chỉ nghĩ chúng đơn giản là một trò chơi bình thường.

Sau này, khi tham gia ngày hội ở trường, anh thấy rằng nếu tiếp tục phát triển và ứng dụng “học thông qua chơi”, khuyến khích sự tìm tòi khám phá ở các môn như môn khoa học thì rất bổ ích cho trẻ.

Theo anh Vinh, khi bố mẹ cùng chơi, trẻ cũng rất thích. Ví dụ, khi gia đình anh cùng chơi trò chơi cờ tỷ phú, có tính toán cộng trừ số tiền trong từng bước. Hoặc khi chơi trò xây nhà, trẻ được tự do sáng tạo làm nhiều thứ nên rất hào hứng. Nhưng nếu bình thường, nhắc nhở con ngồi nghiêm túc để làm toán cộng trừ, bé nào cũng cảm giác rất nặng nề.

Cũng theo vị phụ huynh này, khi áp dụng vừa học vừa chơi tại nhà, sự gắn kết của gia đình, của bố mẹ và con cái sẽ càng gần nhau hơn. Đặc biệt, khi các thiết bị công nghệ phát triển mạnh, nếu không dành thời gian chơi với trẻ thì thường con sẽ dán mắt vào màn hình điện tử mà mất đi tính giao tiếp trong gia đình.

Anh Vinh cũng cho rằng, việc nhà trường và gia đình cùng đồng thuận trong giáo dục trẻ mang lại lợi ích rất lớn. Bởi nếu trẻ được học những kiến thức thông qua chơi khiến con không bị áp lực tâm lý, đam mê tìm tòi hơn. Do đó, người lớn nên sắp xếp cho các con vừa chơi vừa học kèm theo việc lồng ghép các yếu tố khám phá thế giới xung quanh.

Phổ cập kiến thức càng rộng rãi trong thực tế, sẽ giúp trẻ sau này lớn lên dễ xử lý mọi tình huống, giao tiếp tốt hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giúp trẻ được trải nghiệm thực tế

Tuy nhiên, theo anh Vinh, cha mẹ cũng cần lưu ý, tùy thuộc vào sở thích của các bé để xây dựng cách “học thông qua chơi” phù hợp. Ví dụ, con anh đặc biệt rất thích khám phá khoa học, nên những gì liên quan gì đến khoa học hay tự nhiên, bé rất hứng thú. Có thể những bé khác sẽ thích nội dung khác, như thể thao chẳng hạn. Vì vậy, tùy thuộc vào từng trẻ, nếu kết hợp việc vừa chơi vừa học sẽ rất bổ ích.

Hào hứng kể về sự thay đổi của con khi tham gia hướng tiếp cận học qua chơi, anh Vinh cho biết con thường xuyên kể lại những hoạt động trên lớp cho cha mẹ nghe.

Ví dụ như khi được học theo hướng cởi mở, có lồng ghép trò chơi, con rất thích được học tiếp. Do đó, nếu biết cách áp dụng cách tiếp cận giáo dục giúp gắn kết giữa thầy với trò, cha mẹ và con cái, lồng ghép các trò chơi vào các môn học khô khan, hay những câu đố vào bài học để các bé tìm hiểu trả lời thì rất hay, bổ ích và thu hút trẻ.

Anh Nguyễn Phúc Thọ (TPHCM) cho biết, với “học thông qua chơi”, các con được vừa học vừa chơi, vừa trải nghiệm, lại tạo được hứng thú, thúc đẩy phát huy sáng tạo trong quá trình học. Đặc biệt, phương pháp này còn giúp các con trực tiếp trải nghiệm các vấn đề thực tế trong cuộc sống hằng ngày và áp dụng để phát triển các kỹ năng của mình.

Nhiều bố mẹ vẫn thường than rằng, bản thân dành không ít thời gian để cùng con học tập, vui chơi nhưng kết quả mang lại vẫn không được như mong muốn. Nguyên nhân chính đến từ việc phương pháp vừa học vừa chơi cùng con chưa thật sự phù hợp.

Theo chuyên gia, không có bất kỳ một phương pháp chính xác tuyệt đối khi dạy con học tập. Tùy theo năng lực, thế mạnh cũng như các đặc điểm về tâm lý của từng trẻ mà bố mẹ sẽ đưa ra các cách dạy khác nhau. Chính vì thế, trước khi muốn tìm ra được cách dạy con học thì bố mẹ cần nghiên cứu một số yếu tố cần để tạo nên phương pháp hiệu quả. Việc biết được con nên học theo cách như thế nào đem lại rất nhiều lợi ích.

Lựa chọn một hoạt động mà các con không thích, cũng đồng nghĩa các bậc phụ huynh ép trẻ phải thực hiện yêu cầu của trò chơi đó. Điều này vô tình làm cho chính các con cảm thấy mình bị ép buộc và không muốn chơi hoặc chơi theo kiểu thụ động.

Việc tìm ra được cách dạy đúng đắn giúp bố mẹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi vừa học vừa chơi cùng con. Đồng thời, bản thân trẻ cũng không còn cảm thấy áp lực, bực tức trong khi chơi cùng bố mẹ. Mặc dù việc truyền đạt kiến thức thông qua các trò chơi rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình dạy cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ. Đừng để những giờ học cùng bố mẹ khiến các con trở nên thiếu thoải mái.

Để trẻ đam mê và cố gắng hết mình để tham gia các hoạt động vui chơi, học tập cùng bố mẹ, trước tiên các bậc phụ huynh cần phải khơi dậy sự đam mê và chú ý từ trẻ. Nếu các hoạt động không đủ tính hấp dẫn để giúp các con học tập thì trẻ sẽ không có thái độ hào hứng khi học tập.

Dự án “Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam”, do Tổ chức VVOB (Bỉ) hợp tác cùng Bộ GD&ĐT, Quỹ LEGO triển khai tại Việt Nam từ năm 2019.

Dự kiến đến cuối năm 2023, “Học thông qua chơi” sẽ tiếp cận được hơn 14.695 trường tiểu học, 230 nghìn giáo viên, 681 nghìn học sinh, và 1.429.000 cha mẹ trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ triển khai Chương trình GDPT 2018 một cách hiệu quả, từ đó bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất, trở thành những công dân có ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ