Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các rối loạn về hành vi và phát triển, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu và rối loạn ăn uống ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Tỷ lệ rối loạn tâm thần tăng
Hàng loạt nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy, các hạt mịn trong khí quyển có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư phổi, chứng mất trí, trầm cảm và ADHD cao hơn. Một nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 164.000 học sinh Trung Quốc.
Kết quả cho thấy, cứ 10 microgam PM2.5 (các hạt nhỏ hơn 2,5 micron) trên một mét khối tiếp xúc, thì trẻ em có khả năng được chẩn đoán mắc ADHD cao hơn 1,65 lần.
Theo báo cáo Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên năm 2019 do Viện Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh công bố, các rối loạn tâm thần ở độ tuổi từ 5 - 15 đã tăng từ 9,7 lên 11,2% trong thập kỷ qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, hơn 20% thanh thiếu niên trên toàn thế giới (từ 10 - 19 tuổi) mắc các rối loạn tâm thần và 50% trong số này bắt đầu trước 14 tuổi. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, chúng không được phát hiện hoặc điều trị.
Một nghiên về sức khỏe tâm thần của trẻ em liên quan đến ô nhiễm dựa trên những người chủ yếu hoặc chỉ sống ở khu vực thành thị. Việc mẹ tiếp xúc với ô nhiễm không khí có liên quan đến sự phát triển thần kinh của trẻ trong 24 tháng đầu đời cho đến khi bắt đầu chậm phát triển thần kinh.
Có mối liên hệ giữa ô nhiễm giao thông và sự phát triển thần kinh của trẻ em từ 7 đến 12 tuổi, với sự phát triển nhận thức thấp hơn cũng như các khiếm khuyết về hành vi. Có sự khác biệt phụ thuộc vào giới tính ở trẻ em từ 4 - 6 tuổi, với mức độ dễ bị tổn thương cao hơn ở trẻ em trai. Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến trí nhớ, sự chú ý và nhận thức bằng lời nói.
Ô nhiễm không khí liên quan đến ADHD và các rối loạn hành vi cũng như vấn đề về phát triển ở trẻ em từ 7 - 11 tuổi. Các chất ô nhiễm môi trường như O3, NO2, PM1, PM2.5 và PM10 có liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên và sự phát triển ADHD. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí kéo dài theo thời gian, nguy cơ lo lắng ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng.
Hành động để bảo vệ trẻ
Không phụ huynh nào mong muốn rằng, hành động hít thở có thể gây hại cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ em ở mọi quốc gia đều phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí không lành mạnh, thì đây là thực tế hằng ngày đối với hàng triệu gia đình.
Trong bối cảnh này, phụ huynh có thể cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, có những bước đơn giản và hiệu quả mà cha mẹ có thể thực hiện để giảm mức độ tiếp xúc của con mình và bảo vệ trẻ khỏi những tác động tồi tệ nhất.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), để có thể bảo vệ con mình khỏi ô nhiễm không khí ngoài trời, cha mẹ cần kiểm tra chất lượng không khí tại khu vực mình sống hằng ngày.
Thông tin này thường có thể tìm thấy trên tin tức địa phương, trang web của chính phủ hoặc ứng dụng như Plume hay IQAir. Đồng thời, cần sử dụng thông tin về chất lượng không khí để giúp đưa ra quyết định sáng suốt cho gia đình mình.
Trong trường hợp mức độ ô nhiễm không khí cao, phụ huynh cần để trẻ tránh các hoạt động gắng sức, bao gồm cả vui chơi và tập thể dục. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trẻ mắc các bệnh lý như hen suyễn hoặc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Đóng cửa sổ và cửa ra vào trong thời gian ô nhiễm cao để giúp ngăn chặn các chất ô nhiễm.
Một lưu ý khác là để trẻ đeo khẩu trang vừa vặn. Cụ thể, khẩu trang phải che kín mũi, miệng và cằm, không có khe hở. Khẩu trang KF94, KN95 hoặc FFP2 là lựa chọn tốt vì chúng thoải mái và ngăn chặn các chất ô nhiễm có hại như PM2.5. Phụ huynh nên mua một chiếc khẩu trang có kích thước phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Trong một số trường hợp, khẩu trang có thể không phù hợp với trẻ. Như đại dịch Covid-19, WHO khuyến cáo, trẻ em dưới 5 tuổi nói chung không nên đeo khẩu trang vì có thể gặp khó khăn khi sử dụng.
WHO không có khuyến nghị cụ thể về việc sử dụng khẩu trang cho trẻ em trong môi trường ô nhiễm. Vì vậy, tốt nhất là cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được khuyến nghị dựa trên độ tuổi, sức khỏe và chất lượng không khí tại địa phương.
Trẻ em khỏe mạnh ít có khả năng gặp phải các vấn đề do hít phải không khí ô nhiễm. Khi đó, cha mẹ nên chăm sóc sức khỏe tổng thể của trẻ. Cho trẻ ăn chế độ ăn lành mạnh với đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Những thực phẩm giàu vitamin C, E và axit béo omega-3 có thể đặc biệt có lợi.
Trong đó, thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Ổi, đu đủ, dứa, trái cây họ cam quýt (ví dụ như cam, chanh), ớt chuông. Các loại hạt và hạt giống, rau lá xanh (ví dụ như rau bina, bông cải xanh) là những thực phẩm chứa nhiều vitamin E. Chất chống oxy hóa Omega 3 có nhiều trong hải sản và cá (như cá ngừ, cá thu), rong biển, quả óc chó.
Để có thể bảo vệ con mình khỏi ô nhiễm không khí trong nhà, phụ huynh cần thực hiện một số phương pháp. Cụ thể, cần nấu ăn ở những nơi thông gió tốt: Mở cửa sổ khi nấu ăn và sử dụng quạt thông gió để nhiệt và khói thoát ra ngoài. Sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch hơn để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng ngôi nhà.
Nếu có thể, hãy chọn điện, khí đốt tự nhiên, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí sinh học hoặc bếp lò hoặc lò nướng năng lượng mặt trời. Bảo dưỡng bếp lò, ống khói và các thiết bị khác để chúng đốt nhiên liệu hiệu quả. Nếu thông gió khó khăn hoặc không thể sử dụng nhiên liệu sạch, phụ huynh hãy nấu ăn ngoài trời.
Giữ phụ nữ mang thai và trẻ em tránh xa khói thuốc. Đảm bảo mọi người trong gia đình tránh hút thuốc trong nhà. Tránh đốt nến và hương và sử dụng chất làm thơm phòng vì chúng có thể thải ra hóa chất độc hại vào không khí.
Phụ huynh cần nhận biết các nguồn gây ô nhiễm trong nhà phổ biến khác, bao gồm sản phẩm xây dựng và sơn, đồ dùng vệ sinh và hóa chất gia dụng. Hãy để trẻ em tránh xa những thứ này và sử dụng các giải pháp thay thế tự nhiên khi có thể.
Theo UNICEF, phụ huynh nên nói chuyện với con về ô nhiễm không khí và hỗ trợ trẻ hành động. Cần thảo luận về những rủi ro mà ô nhiễm không khí có thể gây ra cho sức khỏe và môi trường, những gì trẻ có thể làm để giảm thiểu và bảo vệ bản thân. Khuyến khích trẻ tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ trẻ đưa ra các giải pháp để theo dõi và giảm thiểu ô nhiễm không khí tại khu vực gia đình sống.