Hệ lụy buồn việc học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng

GD&TĐ - Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường.

Nữ sinh Trường THCS Quảng Đại (TP Sầm Sơn) bị đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè nhưng không ai can ngăn.
Nữ sinh Trường THCS Quảng Đại (TP Sầm Sơn) bị đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè nhưng không ai can ngăn.

Thực trạng này đang là vấn đề nhức nhối và nan giải của ngành Giáo dục Thanh Hóa.

Những hậu quả đau lòng

Bạo lực học đường là vấn đề không mới, nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp. Hàng loạt vụ việc xảy ra cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng và rồi để lại những hậu quả hết sức đau lòng.

Dư luận vẫn chưa quên vụ nam sinh P.T.L. học sinh Trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh) bị đánh vỡ sọ não vào năm 2021.

Nguyên nhân do L. mâu thuẫn với bạn cùng lớp. Đối tượng này sau đó đã rủ thêm 2 người bạn của mình để “xử” L. Hậu quả, L. bị tổn hại 49% sức khoẻ, còn 3 đối tượng hành hung L. lĩnh án tù về hành vi “Giết người”, mức án cao nhất là hơn 7 năm tù.

Trong năm học 2022 - 2023, trên địa bàn Thanh Hóa tiếp tục xảy ra nhiều vụ học sinh xô xát, đánh nhau và quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội, mức độ có chiều hướng ngày càng phức tạp.

Khoảng giữa tháng 2/2023 xuất hiện 3 đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng. Trong đó, 2 đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh này bị đánh tại một bãi đất trống, một đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh tại nhà riêng. Mặc cho nạn nhân quỳ gối, gào khóc, van xin thảm thiết nhưng không được tha.

Mới đây, ngày 19/3, do mâu thuẫn trong quá trình chụp ảnh kỷ yếu, một nhóm học sinh lớp 12, Trường THPT Đông Sơn 1, 2 và Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (huyện Đông Sơn) đã dùng xe mô-tô đuổi đánh nhau, xe bị đổ đè lên một học sinh gây thương tích.

Trước đó một ngày, một vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Trường THCS Thọ Sơn (huyện Triệu Sơn). Hai học sinh lớp 9 do mâu thuẫn trong lúc chơi thể thao, sau đó, một trong 2 đã mang theo dao từ nhà và đâm đối phương khi đang trong lớp học khiến nạn nhân trọng thương.

Đáng nói, nhiều sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh, nhưng thờ ơ, đứng nhìn, không can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, quay clip.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hầu hết nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát trong cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày, trên mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã không kiềm chế được bản thân, coi trọng việc thắng thua, tổ chức đánh nhau, xúc phạm danh dự người khác, thậm chí dùng hung khí để trả thù, cố ý gây thương tích, coi thường pháp luật.

Em P.T.L, học sinh Trường THPT Lang Chánh bị bạn đánh vỡ sọ vào năm 2021.

Em P.T.L, học sinh Trường THPT Lang Chánh bị bạn đánh vỡ sọ vào năm 2021.

Vấn đề nan giải!

Theo ghi nhận, trong thời gian qua, rất nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra tình trạng bạo lực học đường như huyện: Triệu Sơn, Hậu Lộc, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh và TP Thanh Hóa...

Tuy nhiên, hiện nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa vẫn chưa thống kê một cách chính xác số vụ diễn ra trên địa bàn trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, có tình trạng nhiều trường học không báo cáo vụ việc học sinh đánh nhau lên Sở GD&ĐT.

Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường, ông Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho hay, tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là hoàn cảnh gia đình.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không quan tâm hoặc bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà… Tiếp đó là học sinh bị ảnh hưởng bởi phim ảnh bạo lực, mạng xã hội. Ngoài ra, nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự quan tâm, sát sao…

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho rằng, để giảm thiểu tình trạng này, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh về pháp luật, giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ lên lớp.

Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong, ngoài lớp, từ đó tránh nguy cơ xảy ra bạo lực học đường không đáng có.

Công tác đoàn đội trong nhà trường cũng phải giám sát chặt chẽ tới từng lớp, từng học sinh, sớm phát hiện các mâu thuẫn, giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh.

Bên cạnh đó, các nhà trường chủ động lên kế hoạch đấu mối phối hợp với Công an… tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bạo lực học đường để nâng cao nhận thức của học sinh.

Được biết, hiện nhiều trường trên địa bàn Thanh Hóa đã lắp camera giám sát ở nhiều vị trí trong trường để theo dõi tình trạng học sinh xô xát, mâu thuẫn đánh nhau, gắn hộp thư thoại, đường dây nóng kết nối với học sinh để kịp thời lắng nghe những phản ánh.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh.

Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Công an địa phương tuyên truyền, răn đe và xử lý các hành vi bạo lực xảy ra.

Theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tình trạng bạo lực học đường năm nào cũng xảy ra và đây là vấn đề nan giải. Bởi vậy, ngay từ đầu năm học, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo gửi đến các đơn vị trường về công tác chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng gây gổ, đánh nhau giữa học sinh.

Bên cạnh đó, liên tục triển khai quán triệt trực tiếp qua hội nghị cũng như tại các buổi tập huấn. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo riêng từng vụ việc. Tuy nhiên, dường như năm học nào cũng có tình trạng học sinh đánh nhau mà nguyên nhân chỉ là bột phát.

“Để có thể hạn chế tình trạng bạo lực học đường cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Không chỉ nhà trường, gia đình mà còn cần sự quan tâm từ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội”, bà Bùi Thị Thanh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.