Cáo buộc cho rằng Nga xâm nhập thư điện tử các thành viên Đảng dân chủ Mỹ gợi nhắc đến việc các chuyên gia Mỹ từng hỗ trợ cựu Tổng thống Nga Yeltsin trong cuộc bầu cử năm 1996.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: AP.
Ứng viên Tổng thống Đảng cộng hòa Donald Trump vừa rồi tiếp tục gây sốc đối với người Mỹ, khi ông kêu gọi (đùa) Nga tấn công hòm thư điện tử cá nhân được bà Hillary Clinton sử dụng khi còn giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ và công bố nội dung những bức thư của bà.
Ông Donald Trump đã đưa ra những lời lẽ này trong bối cảnh đang dấy lên vấn đề liên quan đến thông tin về việc chính quyền Nga xâm nhập hòm thư điện tử của Ủy ban quốc gia Đảng dân chủ hòng gây bất lợi cho bà Hillary Clinton.
Các chuyên gia chính trị và lãnh đạo Đảng dân chủ đã ngay lập tức bày tỏ sự tức giận trước việc mà theo họ, đối với một ứng viên Tổng thống Đảng cộng hòa thì dù có nói đùa cũng không được phép kêu gọi một quốc gia khác, mà cụ thể ở đây là Nga, can thiệp vào công việc của nước Mỹ.
Dự án can thiệp vào Nga
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống của nhau. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh một thời gian, đã xảy ra sự kiện mà ít người biết đến. Đó là vào năm 1996, chiến dịch tranh cử Tổng thống Nga của Boris Yeltsin diễn ra bí mật dưới sự dẫn dắt của ba nhà tư vấn chính trị người Mỹ, những người đã nhiều lần nhận hỗ trợ trực tiếp từ chính quyền Tổng thống Bill Clinton lúc đó.
Vở hài kịch năm 2003 mang tên “Dự án Yeltsin” kể về câu chuyện có thật của ba nhà tư vấn chính trị Hoa Kỳ, những người được thuê để hỗ trợ Yeltsin trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1996. Liev Schreiber đóng vai là chuyên gia phân tích thông tin, đảng viên Đảng cộng hòa có tên Joe Shumate; Jeff Goldblum vào vai George Gorton, người về sau chỉ đạo cuộc vận động của cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger; còn Anthony LaPaglia đóng vai nhà tư vấn chính trị cấp cao Dick Dresner, người mà đầu những năm 1980 đã tham gia chiến dịch vận động của Bill Clinton để trở thành Thống đốc bang Arkansas.
Dick Dresner là đối tác của Dick Morris, cố vấn chính trị cấp cao của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Lúc đó Morris là người chỉ đạo chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của Bill Clinton.
Mặc dù vở hài kịch nói về những khác biệt giữa văn hóa chính trị Nga và Mỹ (các cố vấn người Nga của ông Yeltsin không thể hiểu được tại sao người Mỹ lại cho rằng, một ứng viên Tổng thống phải hôn trẻ nhỏ và cười trước máy ghi hình), nhưng “Dự án Yeltsin” thực ra lại cho khán giả thấy những hoạt động ngấm ngầm qua lại giữa Dresner và Morris.
Trong một cảnh quay, Dresner sau một thời gian dài cố gắng thuyết phục các cố vấn thân cận của Yeltsin là cần được xuất hiện riêng trong những video tuyên truyền của mình. Trong đó, Dresner gọi điện cho Morris và hỏi: Clinton liệu có thể gọi điện và đưa ra một số lời khuyên cho Yeltsin hay không.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton (trái) và Donald Trump. Ảnh: AFP.
Êkíp tư vấn chính trị này được lập nên bởi Felix Bryanin, một doanh nhân Mỹ gốc Nga có mối liên hệ về chính trị từng bất an với kết quả mà những người Cộng sản giành được trong cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện Nga) năm 1996. Lo ngại điều này có thể là dấu hiệu thắng cử cho ứng viên Cộng sản trong cuộc đua giành ghế Tổng thống, Felix Bryanin đã kiến nghị với các quan chức thân cận của Yeltsin, trong đó có phó Thủ tướng thứ nhất Oleg Soskovets, và thuyết phục họ tin rằng, một cuộc vận động kiểu Mỹ là cơ hội duy nhất để những người Cộng sản không thể lên nắm quyền tại Nga.
Mỹ phủ nhận nhúng tay
Năm 1996 Joe Shumate, George Gorton, Dick Dresner và Steven Moore (người về sau liên kết những nhân vật này lại với nhau) đã trả lời phỏng vấn độc quyền cho tờ Time. Trong cuộc phỏng vấn này họ đã kể về những phi vụ của mình trong thời gian làm tư vấn chính trị tại Nga. Những người này cũng đã đề cập đến sự hợp tác giữa họ với chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Theo câu chuyện, họ phần lớn làm việc với Morris, và trong khi nói chuyện họ đã sử dụng biệt danh của Clinton là Thống đốc bang California, còn Yeltsin là Thống đốc bang Texas.
Những nguồn tin thân cận ông Yeltsin đã phủ nhận việc các tư vấn chính trị Mỹ có dính dáng đến cuộc bầu cử năm 1996 tại Nga. “Đây là điều nhảm nhí. Tôi chưa bao giờ gặp họ. Chúng tôi chẳng cần đến họ để làm gì cả. Chúng tôi trả tiền cho họ và cho phép họ chỉ được ngồi yên trong khách sạn để họ không được can thiệp vào bất cứ việc gì”, – cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Boris Yeltsin, ông Sergei Filatov cho biết vào năm 2003.
Đạo diễn phim Roger Spottiswood đã thừa nhận rằng, ông đã hy vọng chính giới Nga sẽ phủ nhận có sự dính líu của Mỹ vào chiến thắng trước những người Cộng sản trong cuộc bầu cử năm 1996. Tuy nhiên, theo ông, bộ phim này lại nhằm mục đích khác.
“Dự án Yeltsin” không phải là câu chuyện về việc người Mỹ “cứu rỗi” nước Nga, mà là cái nhìn đối với đời sống chính trị ở Nga và Mỹ. Người Mỹ đã mang đến nước Nga những lời hứa hẹn bất khả thi trước bầu cử.
Thực ra, bộ phim này dù kể về bầu cử Tổng thống ở Nga, nhưng lại gợi ý cho người xem hiểu rằng, trong thế giới toàn cầu hóa thì chẳng phải ngạc nhiên là Nga và Mỹ lại có mối quan tâm chung một cách hoàn toàn tự nhiên đối với kết quả bầu cử của nhau, và rằng, như người Nga vẫn nói, một chính sách bẩn thỉu thì “không có tính dân tộc” trong đó.
Vì lý do đó mà sự nổi giận trước mối quan hệ Nga của ứng viên tỷ phú Donald Trump là vô ích đối với những ai luôn cho rằng, chính sách đối ngoại trên thực tế đã được sắp đặt. Việc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng đã trở nên lỗi thời như chính chính sách đó. Có thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Hoặc có thể ông không muốn. Nhưng vấn đề ở đây là, rồi ai sẽ vào vai những nhân vật này trên màn ảnh?