Hãy nghiêm nghị hơn với con

Nhiều ông bố, bà mẹ mặc định rằng, cứ yêu thương, đối xử tốt với con cái thì chúng sẽ mãi ghi nhớ công lao dưỡng dục sinh thành. Sau này khi cha mẹ già đi sẽ nhận được sự quan tâm và che chở chu đáo như vậy từ phía con cái. Liệu có phải như vậy?

Hãy nghiêm nghị hơn với con

1. Anh họ tôi là chủ thầu xây dựng, có vợ bán buôn ngoài chợ. Nhờ ky cóp và biết cách làm ăn, gần 30 năm đến Vũng Tàu lập nghiệp, anh chị đã tạo cho mình cơ ngơi khang trang và chút vốn để dành. Đời anh chị không được học hành đến nơi đến chốn nên dồn hết sức cho con cái học hành. Ba người con hai trai một gái của anh chị được “nâng như trứng, hứng như hoa” từ nhỏ. Nỗ lực của anh chị được đền đáp khi các cháu lần lượt tốt nghiệp các trường đại học danh giá trong nước và có công ăn việc làm ổn định.

Thế nhưng quan sát cuộc sống của gia đình anh chị, tôi lại thấy khá bất ổn, hầu như sự quan tâm đều xuất phát từ anh chị đến các cháu mà không bao giờ có chiều ngược lại. Một lần đến nhà anh chị chơi, tôi thấy anh chị cứ loay hay với đống vỏ lon bia và thức ăn thừa mứa ở phòng khách. Hỏi thì anh trả lời các cháu và bạn bè nó kéo nhau về ăn nhậu, ăn xong bỏ đi nhờ ba mẹ dọn dẹp. Tôi nói anh, anh phải yêu cầu các cháu làm. Anh chị bảo, từ xưa đến nay anh chị đều làm cho nó, nó cũng chuẩn bị lập gia đình ra ở riêng, phục vụ thêm chút cũng chả sao...

Cũng theo anh chị thì việc được phục vụ con cái chính là hạnh phúc nên ngay cả cháu trai út, đã đi làm được một năm nhưng anh chị vẫn chăm sóc cháu như một cậu bé mẫu giáo. Quần áo về nhà nó vứt ngổn ngang, anh chị cho vào máy giặt, phơi phóng và ủi cho chúng. Thậm chí nhiều bữa nó đi chơi đêm về để xe máy ngoài sân, anh chị cũng dắt hộ vào nhà mà không bao giờ có ý kiến.

Nhiều bữa tôi nhắc khéo các cháu nên quan tâm đến ba mẹ như mua cho ba mẹ đồng quà tấm bánh, cặp vé du lịch.... Chúng trả lời tôi tỉnh queo: “Chú ơi, ba mẹ cháu thiếu gì tiền, ba mẹ muốn mua gì chả được”. Khi tôi bảo các cháu vấn đề ở đây không phải là tiền mà là sự quan tâm lẫn nhau, là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho ba mẹ. Các cháu lại cười: “Thời hiện đại rồi mà chú”. 

2. Chú tôi ông năm nay 75 tuổi, có 5 người con và đang sống ở một phường ngoại thành. Mười năm trước, ông Nam tiến theo con trai út. Hiện các con của ông đều đã trưởng thành, kinh tế ổn định nhưng không ai muốn trực tiếp nuôi dưỡng mà chỉ muốn đóng góp tiền bạc để người khác làm thay việc báo hiếu của con cái.

Lý do là ông hay hút thuốc lá nên các con của ông sợ ảnh hưởng đến bọn trẻ. Có lần ông tâm sự với tôi, chắc sang năm chúng nó góp tiền đưa ông vào trại dưỡng lão bởi đã đồng ý cho tụi nó bán nhà ở quê mất rồi. Ông bảo vào trại dưỡng lão thì ông buồn và thương các cháu lắm.

Rồi ông thở dài than phiền rằng, ở nhà của các con, ông cũng không được ôm ấp vỗ về tụi nhỏ vì các con ông đã dặn các cháu đừng lại gần ông vì ông hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe. “Ở nhà các con, tôi cũng ý tứ lắm, đâu dám hút nhiều đâu, mỗi ngày hút chừng 4 điếu thôi. Mà mỗi khi hút tôi phải chạy ra hiên hoặc ngoài ngõ chứ đâu dám hút trong nhà”. Ông rớm rớm mắt kể lại. Điều đau lòng nhất của ông là vợ mất sớm, một mình tần tảo nuôi 5 đứa ăn học thành người mà giờ đứa nào đứa nấy coi ông như kẻ nhà quê gàn dở.

Lâu nay nhiều người cha, người mẹ đã mặc định rằng hễ cứ đối xử tốt với con thì con sẽ mãi ghi nhớ công lao dưỡng dục sinh thành. Sau này khi cha mẹ già đi, cha mẹ cũng có thể nhận được sự quan tâm và che chở chu đáo như vậy từ phía con cái. Thế nhưng thực tế lắm khi sẽ là điều ngược lại, bởi sự hy sinh không đúng cách của nhiều bậc cha mẹ hiện nay đã hình thành cho con cái lối sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình. Sự hy sinh vất vả và thầm lặng không đúng cách ấy không hề dưỡng thành một đứa con biết trân quý những tình cảm lớn lao mà những người thân yêu đã dành cho chúng.

Hãy để chúng biết thế nào là thiếu thốn và tự thân vận động. Xe cộ, nhà cửa hãy để chúng tự tiết kiệm mua sắm hoặc cho chúng vay mượn khởi đầu và sau đó chúng phải có nghĩa vụ gom trả. Cung phụng và chiều chuộng con cái không đúng cách, các bậc làm cha làm mẹ sẽ nhận về trái đắng và đau đớn thay khi phụ huynh kịp nhận ra thì đã quá muộn màng.

Rất nhiều gia đình hiện nay đang sống trong vỏ bọc hạnh phúc bởi họ không muốn nói ra, bởi họ hiểu có nói ra cũng không được ích gì. Xin tạm gọi những câu chuyện không ai muốn chia sẻ trên là sự “bất hiếu ngọt ngào”. Và để sự “bất hiếu ngọt ngào” ấy không xảy ra ở thì hiện tại và tương lai, nhiều bậc cha mẹ thông thái ngày nay đã biết cách"tàn nhẫn" với con để con trưởng thành hơn trong gian khó. Để khi lớn lên những đứa trẻ này sẽ biết trân quý những gì mà chúng đã nhận về, chúng cũng sẽ biết cách chia sẻ nhiều điều tốt đẹp cho chính gia đình của mình cũng như với cộng đồng xã hội.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.