Hãy là người văn minh trong gia đình hiện đại

Điều đầu tiên tôi sẽ dạy nó không phải là “mạnh mẽ lên, con trai thì không được khóc”, “con không nghĩ được gì lớn hơn sao, vào bếp phụ mẹ nấu cơm là việc của bọn con gái”… Tôi ghét lối giáo dục mang tính kỳ thị giới như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn nghĩ đi, con trai của bạn mới chỉ là một đứa trẻ, tại sao lại bắt nó chịu đựng những cảm xúc tiêu cực để cho ra dáng đàn ông trong khi khóc là cách giải tỏa ngon lành nhất?

Chẳng có lý do gì để tôi bắt con mình ngừng khóc chỉ vì nó là con trai. Tôi sẽ bảo nó: “Cứ khóc thoải mái đi nếu điều đó giúp con thấy nhẹ lòng. Khi con bình tĩnh hơn rồi, mẹ con mình sẽ nói chuyện”.

Phụ nữ chẳng phải rất mâu thuẫn sao khi họ giáo dục con trai từ nhỏ là phải mạnh mẽ lên, đàn ông không được khóc. Các cậu bé lớn lên quen với khuôn mẫu đàn ông lạnh lùng, đàn ông không được bộc lộ cảm xúc yếu đuối, thậm chí không được lộ ra cả những yêu thương. 

Các bé trai khi lớn hơn một chút đã thấy ngại nếu bị mẹ công khai “hôn hít”, cưng nựng yêu thương trước nhiều người. Là chính chúng ta luyện cho các cậu con trai trở nên như vậy, nhưng cũng chúng ta, khi lấy chồng, lại yêu cầu anh ấy phải thật ngọt ngào, biết chia sẻ cảm xúc, biết yêu thương, lãng mạn với vợ…

Hình ảnh các bé trai nhởn nhơ chơi ô tô, đánh điện tử, theo bố quần đùi cởi trần đi đá bóng trong khi bé gái lui cui trong bếp cùng mẹ chuẩn bị cơm ngay cả đến nay trong các gia đình Việt vẫn không phải là hiếm. 

Có thể bạn nghĩ đơn giản vì “bé gái nhà tôi thích vào bếp cũng mẹ đấy chứ”, hay “con trai tôi không có hứng thú giúp mẹ nấu ăn, nó là con trai mà, đụng đâu hỏng đấy, sai nó làm thêm mệt”.

Song giáo dục đâu có đơn giản như vậy, nhất là khi con bạn đang còn là những mầm xanh có thể uốn nắn. Nên làm gì đó mạnh hơn nữa để thay đổi. Nếu tôi có một câu con trai không thích nấu ăn, tôi sẽ nói: “OK, vậy thì nhường con việc rửa bát”. 

Tất cả mọi người đều cần phải lao động để chăm sóc tổ ấm của mình. Đàn ông càng nên biết làm những việc không tên trong gia đình, để có thể phục vụ chính mình, để ý thức được rằng đó là công việc thực sự vất vả, từ đó thương người phụ nữ “giữ lửa” gia đình và sẵn sàng giúp đỡ cô ấy.

Tôi nghĩ đã đến thời các bà mẹ chồng đừng lấy làm bực mình khi thấy con trai giúp con dâu “việc đàn bà” nữa. Cũng không nên đặt tên cho những công việc liên quan đến chăm sóc gia đình là “việc đàn bà”. 

Gia đình là tổ ấm chung mà mọi thành viên trong đó đều có trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc, bất kể đàn bà hay đàn ông. Đó nên được gọi là việc của những người biết coi trọng giá trị gia đình.

Rõ ràng hình ảnh hai vợ chồng cùng nấu ăn, vợ châm lửa nấu bếp, chồng nhặt rau, âu yếm nhìn nhau, chuyện trò vui vẻ là hình ảnh đẹp và điển hình của một gia đình hạnh phúc. 

Cảnh mẹ chồng chu chéo mắng con trai “để đấy tao làm!” khi thấy con trai giặt quần áo giúp vợ là cảnh trong một gia đình “có vấn đề” (ai biết sau đấy mẹ chồng nàng dâu không mặt nặng mày nhẹ với nhau hay vợ không dỗi chồng vì đã “lỉnh” ngay khi bị mẹ nhắc nhở, quên luôn mình đang thể hiện tình yêu với vợ!). Bạn muốn được đặt trong khung cảnh nào?

Hãy là những người văn minh trong một gia đình hiện đại, nơi các thành viên chỉ đối xử với nhau hết lòng vì yêu thương, không bị chi phối bởi những lề thói cũ. Muốn làm được như vậy, có lẽ nên bắt đầu từ việc giáo dục những mầm xanh thay đổi nhận thức cũ.

Nếu tôi có con trai, tôi chẳng đòi hỏi gì ở nó chuyện đao to búa lớn cả. Tôi muốn nó được phát triển đúng theo tâm lý trẻ con bình thường. Tôi mong nó khi trưởng thành biết yêu thương, biết trân trọng phụ nữ, đó là cách để nó mang được hạnh phúc đến cho người khác và cho chính mình.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ