Đó không phải là một vụ bạo lực gia đình thường thấy trên các trang báo, chỉ là trong loạt ảnh chụp về một ngày của những nhân viên trong đội khử khuẩn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận.
Thương quá những con người nơi tuyến đầu, quên bản thân, gia đình ngày đêm làm việc chẳng ngại gian khổ. Thời điểm ấy, cả nước đang dồn về Bình Thuận – nơi được dự đoán có thể trở thành “tâm dịch” Covid-19.
Tình người còn đó
Còn nhớ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, người dân đã náo loạn thế nào, đổ xô đi mua thức ăn, đồ dự trữ, đến độ một số quán tạp hóa lớn phải đóng cửa vì sợ lây bệnh. Loa phóng thanh ra rả phát ngày mấy lần tuyên truyền cách phòng tránh dịch bệnh, kêu gọi người dân bình tĩnh. Tình hình còn tệ hơn khi một loạt các ca bệnh tiếp theo được công bố, ai cũng nơm nớp lo sợ không dám ra khỏi nhà. Âm thanh sợ nhất trong ngày là tiếng còi xe cứu thương hú vào lúc chiều tối, ám ảnh đến cả giấc ngủ. Chỉ có thánh thần mới không lo sợ. Một bầu không khí tĩnh mịch giăng khắp nơi, thay cho không khí ồn ào thường ngày hiện diện.
Những tưởng cơn bão không dừng ở con số 9, nhưng không, cho đến hôm nay, không xuất hiện thêm ca nhiễm mới, số người trong khu cách ly chỉ còn rất ít. Không khí giãn nở ra, hết đặc quánh. Mọi người có phần nào yên tâm khi ra khỏi nhà. Không nói ra nhưng ai cũng mừng vì dịch đã bị chặn đứng, như có phép màu. Quả thực đó là một phép màu do con người tạo ra. Biết bao con người đã phải hy sinh bản thân, quên đi trách nhiệm với gia đình để toàn tâm lo cho cộng đồng. Thương nhất những cháu bé có mẹ là y bác sĩ trong bệnh viện, sẽ ra sao khi đêm về thiếu hơi ấm của mẹ, giữa giấc ngủ có thoảng thốt giật mình ré khóc gọi mẹ ơi?
Một chị bạn là giáo viên kêu gọi trên mạng xã hội quyên góp khẩu trang y tế cho những nhân viên ở xã đang làm nhiệm vụ sàng lọc, cách ly. Giữa thời bão dịch, khẩu trang là món hàng xa xỉ có tiền cũng chưa chắc có, lấy đâu ra mà quyên góp bây giờ. Vậy mà mọi người cũng ủng hộ được kha khá, có những người từ tỉnh khác gửi bưu điện về ủng hộ Bình Thuận chống dịch. Đọc những thông tin sao mà thấy ấm lòng. Mới hay tình người vẫn còn đó, chẳng qua bị nỗi lo cơm áo che khuất mất, chỉ khi hoạn nạn thứ tình ấy mới vượt lên tỏa sáng ấm áp.
Của ít lòng nhiều, người đem nước, đem khẩu trang, cơm hộp tiếp tế những người nơi tuyến đầu chống dịch. Mấy hộ kinh doanh khá hơn thì ủng hộ tiền để tiếp tế lương thực cho những hộ đang cách ly tại nhà. Ai nấy động viên nhau ráng lên, bình tĩnh không hoảng sợ, giữ vệ sinh cho gia đình, hạn chế tụ tập. Ngay cả khi nguy cơ bùng phát đã qua, loa phóng thanh vẫn ra rả tuyên truyền cách phòng bệnh.
Hãy cứ bước đi…
Tình hình tạm ổn. Nhưng còn một thứ khác đáng sợ ngang ngửa dịch bệnh, đó là… đói. Khổ nhất là giáo viên các trường tư thục, nghỉ học kéo dài trong khi chủ trường không trợ cấp, bảo hiểm cũng cắt giảm không đóng trong những tháng nghỉ dịch. Cũng không thể trách được, mấy chục con người, sao trợ cấp hoài được. Bản thân cũng là giáo viên tư thục nên hiểu rõ khó khăn mà đồng nghiệp đang gặp. Lương hai vợ chồng chỉ đủ lo ăn uống, con cái, giờ một người nghỉ, mọi khoản chi tiêu được thắt chặt lại, ngay cả sữa cho con cũng cắt giảm.
Con bé lâu lâu thèm sữa đòi thì mua vài hộp cho uống đỡ chứ biết sao. Ít ra, chúng tôi vẫn còn lo được bữa cơm đầy đủ cho con, có nhiều gia đình còn đáng thương hơn. Như chị đồng nghiệp trong trường, chồng mất mấy năm trước, một mình nuôi hai con nhỏ, mấy mẹ con sống nhờ đồng lương ít ỏi, giờ thất nghiệp, chị xoay xở thế nào? Vậy mà khi nào gọi hỏi thăm, chị cũng cười khà bảo rau dại trong vườn thiếu gì, ráng nhịn lại cũng qua ngày, qua tháng. Nghe thấy thương mà không có cách gì giúp được.
Đâu chỉ giáo viên mới khổ, nông dân cũng khốn đốn lắm thay. Kể từ khi có dịch, thanh long rớt giá thảm thương. Nhiều người thua lỗ, nợ nần chồng chất. Đã vậy năm nay hạn, nước không có tưới tiêu, vụ đông xuân theo chỉ đạo từ chính quyền đã bị cắt giảm không sản xuất. Mỗi tháng nước chỉ xả về một lần, đủ trữ vào ao tưới cầm cự cho cây khỏi chết.
Khó khăn cứ nối tiếp khó khăn, chỉ còn biết cố gắng khắc phục, không thể bó tay chịu thua được. Mình còn đôi tay, còn khối óc, không thể để khó khăn giẫm đạp được. Tôi rẫy đám đất quanh nhà gieo liếp cải, trồng gốc bầu bí. Chịu khó gánh nước tưới vài hôm đã thấy mầm xanh nhú lên. Dưới nắng sớm mai, hai lá mầm nhỏ bé kiêu hãnh vươn cao. Nhìn bầu trời thẳm xanh, nhìn mầm xanh mới nhú, chợt thấy lòng khoan khoái biết bao.
Đâu đó trong lòng ngân lên ca từ của Trịnh: “Không xa đời và cũng không xa loài người, không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười, đời cho ta thế cứ hãy cất bước đi mọi nơi”. Ừ, cuộc đời thật công bằng khi cho mỗi người một đôi quang gánh nhỏ để gánh niềm vui và nỗi buồn trên vai. Hãy cất bước đi chấp nhận tất cả vui buồn cuộc đời ban tặng, có điều năng nhặt niềm vui bỏ thêm vào gánh, và nỗi buồn xin hãy buông bớt cho nhẹ gánh tháng ngày…