Hậu Giang: Dân khổ vì 3 không

Hậu Giang: Dân khổ vì 3 không

(GD&TĐ) - Người dân tại các tuyến dân cư trên những con kênh mới hình thành ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang sống trong tình trạng 3 không: không nước sạch, không điện, không đường bộ. Cuộc sống của những hộ dân nơi đây không chỉ khó khăn về sinh hoạt mà điều kiện đi học của học sinh nơi đây cũng hết sức gian nan.

Cùng con đi học

Nhiều phụ huynh ngồi đợi con
Nhiều phụ huynh ngồi đợi con
 

Nhà cách trường chỉ 3-4 km nhưng nhiều phụ huynh ở kênh Đầu Ngàn, Giữa Ngàn, Đầu Đất… phải vật vờ trước cổng trường đợi con tan học để rước về, vì đường bộ không có, học sinh nơi đây đi học chủ yếu bằng xuồng, tắc ráng. 

Đến Trường mầm non Vĩnh Tường – xã Vĩnh Tường, đập vào mắt tôi là hình ảnh phụ huynh ngồi túm tụm từ dưới xuồng đến trên bờ trước cổng trường, ngồi chờ con tan học. Chị Lê Thị Xuân – kênh Đầu Đất cho biết: “Con tôi học mẫu giáo, ngày nào tôi cũng phải đưa cháu đến trường rồi ngồi đợi đến tan học rước về. Coi như con học mất bao nhiêu giờ là mẹ cũng mất bao nhiêu thời gian ngồi đợi”.

Thấy tôi còn mơ hồ, bà Trương Thị Tiếp, có con đang học lớp 3 giải thích: “Nhà tôi ở kênh Giữa Ngàn. Có ai muốn tới đây chầu chực vậy đâu, nhưng đi đi về về tốn thời gian và tiền xăng lắm. Từ nhà tôi tới đây cũng mất 20 phút, đi đi về về buổi sáng cũng hơn tiếng. Nếu ở lại thì một tuần cũng mất hết 80.000 đồng tiền xăng, đi về thì gấp đôi. Thôi ở lại đỡ tốn kém”. 

Ông Nguyễn Văn Chính – Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường cho biết, các điểm trường từ MN đến THCS đều nằm tại xã, cách mỗi con kênh 3 - 5 km. Phần lớn phụ huynh nơi đây là phụ nữ nhàn rỗi, không có việc làm ngoài việc chăm sóc chồng con và nội trợ ở nhà, họ chỉ bận rộn với việc đồng áng khi đến mùa vụ nên khi đến mùa tựu trường, họ dành cả ngày để cùng con đi học. “Lúc trước xã có vài điểm lẻ, trường vừa xác nhập lại để các em học ở điểm chính, thuận lợi cho việc dạy và học hơn. Với lại, điểm lẻ phụ huynh vẫn đưa và đợi rước về vì những con kênh mới hình thành này đều chưa có đường lộ nối liền ra xã” - ông Chính nói.

Các phụ huynh cho biết, trừ học sinh lớp 4 trở lên có một số phụ huynh  đưa và đợi, còn lại từ lớp 3 đến mẫu giáo hầu như  đưa rước con em mình. Ở kênh Đầu Ngàn có 20 học sinh thì có 20 phụ huynh cùng con đi học. Nhiều phụ huynh có nuôi cá lóc cặp mé sông, phải đem ốc theo để lể, tranh thủ làm cá, nhặt rau để trưa về tranh thủ cho cá ăn, rồi làm cơm cho con ăn để kịp đi học buổi chiều. 

Cũng theo các phụ huynh, dù các nhà có con đi học ở gần nhau nhưng chẳng phụ huynh nào dám gửi hoặc dám nhận đưa rước dùm. Các kênh ở đây vừa nạo vét nên rất sâu, trong khi các em còn nhỏ, chiếc tắc ráng dễ đảo nếu các em ngồi không vững. Sông nước ở đây thì mênh mông, một người không quản được nhiều trẻ. 

Chị Xuân cho biết, mỗi sáng chị phải thức dậy từ 3 giờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm đem theo đưa con đi học. “Sáng mình ăn ở nhà không kịp, đem theo để trong thời gian đợi con mình ăn luôn. Không phải chỉ riêng mình tôi đợi con nên cũng không buồn lắm, có chị em ngồi đợi “tán” chuyện cũng vui. Hi vọng đường bộ  nhanh có, để chúng tôi không còn ngồi chầu chực chờ con nữa. Dành thời gian làm việc thêm để tăng thu nhập cho gia đình”.

Tuyến dân cư “3 không”

Mẹ con cùng đi học về
Mẹ con cùng đi học về
 

Không chỉ gặp khó khăn về trục đường giao thông mà nhiều cụm dân cư mới hình thành ở xã Vĩnh Tường như kênh Đầu Ngàn, kênh Giữa Ngàn, kênh Đầu Đất… điện, nước sạch cũng không có, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn và nguồn nước ô nhiễm đang đe dọa sức khỏe con em của họ.

Theo lời ông Nguyễn Văn  Chính, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Tường tuyến dân cư Đầu Ngàn - ấp Tân Long hình thành cách đây 15 năm, kéo dài 1.500m, có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống nhưng đường giao thông nơi đây chưa có, cầu cũng không, hầu hết các hộ dân phải “câu đuôi” những hộ nằm ngoài lộ, cách xa 2km. Trong khi nguồn điện rất yếu, chỉ có thể dùng để thắp sáng vào ban đêm. 

Chị Huỳnh Thị Út – kênh Đầu Ngàn cho biết: “Điện câu đuôi vừa yếu vừa có giá cao gấp 3 lần. Buổi tối nếu các con học bài thì không dám bật ti vi, còn xem ti vi thì phải tắt đèn mới xem được. Vậy mà tháng nào gia đình tôi cũng đóng hơn 100 ngàn đồng tiền điện”.

Trong tuyến dân cư, có khoảng 20 cây cầu cũ kỹ, chưa có cầu bê tông. Đường đất chưa san lấp bằng phẳng, mùa mưa học sinh cấp 2, 3 phải lội sình đi học. Riêng đối với khối  mẫu giáo và tiểu học, phụ huynh phải đưa con đến trường bằng xuồng hay tắc ráng như chúng tôi đã đề cập ở trên. Còn về nước sạch, một số hộ có giếng khoan nhưng không sử dụng được vì phèn mặn, hôi tanh. Vì thế chính quyền cấm dân khoan giếng để sử dụng nước ngầm. Người dân phải sử dụng nước sông, trong khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng do  chăn nuôi hay xả rác bừa bãi của người dân. 

Đi theo dọc bờ sông từ trung tâm xã đến kênh Đầu Ngàn, cách vài thước chúng tôi lại thấy xác gà hay vịt trôi lềnh bềnh. Nhiều hộ dân lại nuôi vịt cặp bến sông, dù địa phương từng nhắc nhở nhưng nhiều hộ dân vẫn không khắc phục, làm nguồn nước nơi đây ô nhiễm nghiêm trọng. Chị Út nói: “Mỗi khi tới đợt dịch cúm gia cầm, xác gà, vịt, heo, chó trôi lềnh bềnh nhìn thấy mà phát gớm. Mà không xài nước này thì lấy gì sinh hoạt”.

Ông Cao Văn Như, 82 tuổi – kênh Đầu Ngàn nói: “Mong ước của các hộ dân nơi đây là có đường giao thông liên ấp, điện và nước sạch để cuộc sống người dân nơi đây được đảm bảo hơn. Sức khỏe của trẻ em không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm”. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính nói: “Hiện điện lực của tỉnh đã về đây khảo sát và hứa từ đây đến cuối năm điện sẽ đến từng hộ dân. Xã đang vận động người dân xây dựng câu lạc bộ hiếu học, tổ chức một nhóm đưa rước các em đi học, tránh lãng phí thời gian cho nhiều phụ huynh. Còn nước sạch và đường giao thông nông thôn chúng tôi đang trông chờ chính quyền các cấp hỗ trợ để cuộc sống người dân nơi đây đỡ vất vả. Phụ huynh dành thời gian đợi con để làm thêm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Kiều Ngân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ