Hành trình trốn chạy của người phụ nữ 13 năm bị bán, bị coi như “nô lệ tình dục“

Sau 13 năm làm vợ xứ người, giấc mơ đổi đời trở thành cơn ác mộng, chị Phạm Thị Oanh (SN 1970, ngụ phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã tìm cách ôm con trở về quê hương, giải thoát cho mình khỏi cuộc sống địa ngục.

Hành trình trốn chạy của người phụ nữ 13 năm bị bán, bị coi như “nô lệ tình dục“

Hành trình lưu lạc

Tuổi thanh xuân của chị Oanh là những tháng ngày dài vật lộn với cuộc sống mưu sinh, kiếm tiền nuôi người mẹ nằm liệt giường. Đến khi ngoảnh lại, thấy bạn bè cùng lứa đã yên bề gia thất thì chị trở thành gái quá lứa lỡ thì. Không lấy được chồng, chị xem đó là số phận, nguyện ở vậy chăm sóc cha mẹ già yếu.

Không muốn tiếp tục nghề mót cá, lựa cá thuê giống mẹ ngày xưa, chị Oanh tự học nghề đi buôn, Hàng ngày, chị ra biển mua cá đem về nướng, phơi khô rồi mang vào các huyện bên cạnh như Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nam Đàn bán kiếm lời.

Chuỗi ngày nước mắt và ngày về của người phụ nữ sau 13 năm bị lừa bán làm vợ xứ người
Chị Oanh kể lại quá khứ đau buồn.

Trong một lần chở cá lên huyện Yên Thành bán, chị gặp một người phụ nữ nói giọng miền Bắc. Sau khi hỏi mua mấy lạng cá khô, người phụ nữ lày lân la làm quen. “Sau hai lần gặp gỡ, biết được hoàn cảnh của tôi, chị ta ngỏ ý muốn giúp đỡ bằng cách rủ tôi sang Trung Quốc làm thuê. Chị ta nói công việc bên đó nhàn hạ lại kiếm ra tiền. Lương một ngày bên đó bằng cả tháng ở quê tôi vất vả mới kiếm được", chị Oanh nhớ lại.

Nghe người lạ vẽ ra viễn cảnh ngọt ngào trên đất khách, Oanh cứ ngỡ mình may mắn gặp được quý nhân. Chị nhanh chóng gật đầu đồng ý theo người phụ nữ kia qua Trung Quốc mà không chút nghi ngờ. Vì sợ gia đình ngăn cấm nên chị cũng không nói với cha mẹ cũng như người thân một lời nào.

Đặt chân lên vùng đất hứa, giấc mơ đổi đời vụt tắt khi chị Oanh biết mình bị lừa bán thì đã quá muộn. Chị được đưa đến một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) bán cho một người đàn ông bản địa mua về làm vợ. Hành trình 18 năm lưu lạc của chị bắt đầu từ đó.

“Tôi được một người đàn ông nghèo khó, lớn hơn gần chục tuổi mua về làm vợ. Vì gia đình anh ta quá nghèo, không có đủ tiền cưới vợ theo phong tục tập quán của địa phương nên mới chấp nhận mua phụ nữ Việt. Chồng tôi khó tính lại rất gia trưởng, gia đình chồng xem tôi chẳng khác nào tôi tớ trong nhà. Suốt nhiều năm chung sống trong gia đình chồng nhưng tôi cứ nghĩ đó là địa ngục".

Những ngày đầu vì sợ bỏ trốn nên chị bị gia đình chồng giam lỏng. Mỗi bước chị đi đều có người theo sát bên mình. Ngay cả lúc đi làm, đi tắm đều có người theo dõi. Ngoài phục vụ chồng, chị còn phải phục vụ 6 người khác gồm cha mẹ và anh em bên chồng. Ngày chị cùng chồng lên núi trồng sắn, bẻ ngô, cuốc đất, đến bữa về lo toan bữa ăn cho cả gia đình chồng. Đã vậy, chị còn luôn bị gia đình chồng chửi mắng, đánh đập vì trái ý, làm sai việc họ sai khiến. Tối đến chị lại bị người chồng không tình yêu hành hạ thân thể. Chị Oanh đau đớn ví, với người chồng, mình chẳng khác nào nô lệ tình dục.

Sau hàng chục năm chung sống, niềm vui nỗi buồn chị dành trọn cho hai cậu con trai là Hồ Suy Hùng (SN 1998) và Hồ Suy Nghĩa (SN 2006). Sinh được con cho nhà chồng, chị không còn bị coi khinh như trước nữa. Người chồng cũng vì vậy mà quan tâm, san sẻ công việc cho vợ. Người nhà chồng cũng vì thương cháu mà không còn ghét bỏ, chửi bới, đánh đập.

“Khi tôi sinh hai đứa con, người nhà chồng nghĩ tôi sẽ không bỏ con mà trốn nên họ thoải mái hơn trong việc cho tôi đi lại. Tháng 7/2009, sau 13 năm ròng, tôi được gia đình chồng cho về thăm quê hương trong thời hạn một tuần lễ. Tôi đã xin cho con trai út được về cùng. Khi tìm được đường về nhà, tôi quyết định không quay trở lại bên đó nữa để thoát khỏi cuộc sống địa ngục", chị Oanh chia sẻ.

Ngày về bình yên

Chị Oanh với dáng người gầy, nước da đen sạm, mái đầu điểm bạc đang bận rộn với căn nhà đang xây dựng. Trông chị già hơn nhiều so với cái tuổi tứ tuần. Đã 7 năm trôi qua kể từ ngày trở về nhưng chị không thể quên được cái ngày đầu tiên được đặt chân lên nơi chôn nhau cắt rốn, nó bình yên đến lạ lùng. Mọi thứ trên quê hương đã đổi thay, các anh chị trong gia đình đã yên bề gia thất, cha mẹ cũng đã an nghỉ nơi chín suối.

Ôm con trốn chạy trốn với hai bàn tay trắng, suốt nhiều năm qua, mẹ con chị ăn nhờ ở đậu tại gia đình người anh trai. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, chị Oanh lại bắt đầu vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Từ sáng sớm chị tất tả ra biển, nơi những con thuyền vừa cập bến để lựa cá thuê. Chiều đến, chị lại đến lán tất bật với nghề nướng cá. Ngày nào may mắn cũng kiếm được 50.000 đến 80.000 đồng, đủ cho hai mẹ con chi tiêu một cách tằn tiện.

Trước tết Nguyên đán 2016, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng hội liên hiệp phụ nữ, mẹ con chị đã được hỗ trợ xây căn nhà tình thương trị giá 130 triệu đồng ngay trong vườn đất của người anh trai.

Chuỗi ngày nước mắt và ngày về của người phụ nữ sau 13 năm bị lừa bán làm vợ xứ người
Căn nhà tình thương sắp sửa hoàn thành của mẹ con chị Oanh.

Hỏi về cuộc sống của người chồng đã từng mười mấy năm gắn bó cùng cậu con trai lớn đang ở xứ người, chị Oanh cho biết: Con trai lớn của chị đã 18 tuổi, đã biết tự kiếm tiền bằng việc đi làm thuê. Chị không luyến tiếc về người chồng dù đã chung sống bên nhau khá lâu. Giữa chị và người đàn ông này lấy nhau không vì tình yêu mà chỉ là một cuộc mua bán. Chị chỉ mong sau này, khi lập gia đình các con chị sẽ hiểu, cảm thông cho quyết định của chị.

Chuỗi ngày nước mắt và ngày về của người phụ nữ sau 13 năm bị lừa bán làm vợ xứ người
Chuỗi ngày nước mắt và ngày về của người phụ nữ sau 13 năm bị lừa bán làm vợ xứ người
Chị Oanh tất bật dọn dẹp trong ngôi nhà mới.

Sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời, hiện tại, niềm vui, hạnh phúc duy nhất của chị là được nhìn thấy con lớn lên từng ngày. Con út của chị đã học xong lớp 3 và tỏ ra là một cậu bé thông minh, lanh lợi. Suốt nhiều năm qua, cũng có nhiều người hiểu hoàn cảnh, muốn che chở cho mẹ con chị. Thế nhưng, ám ảnh với cuộc hôn nhân không tình yêu trước đây, chị đã từ chối tất cả, quyết định ở vậy nuôi con.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Lâm (trưởng công an phường Quỳnh Lập) cho biết: Sau khi chị Oanh trở về, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện làm các thủ tục hành chính như làm chứng minh nhân dân, vận động con trai chị Oanh đến trường, đồng thời phối hợp với hội phụ nữ giúp đỡ về vật chất, tinh thần để mẹ con chị Oanh ổn định cuộc sống.

*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ