Sau một thế kỷ, nhìn lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc (5/6/1911 – 5/6/2011), mỗi chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc trên đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay đã được bắt đầu và quyết định từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”.
Nguyễn Tất Thànhlàm phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin -bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đi tìm đường cứu nước |
Sau Điều ước Pa-tơ-nốt (1884), thực dân Pháp đã hoàn thành về cơ bản quá trình bình định và chính thức xác lập ách thống trị trên đất nước Việt Nam. Nước ta trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ càng gay gắt. Đây là trở lực lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam. Chỉ có giải quyết thành công những mâu thuẫn trên đây - đồng nghĩa tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, thì xã hội Việt Nam mới tiếp tục phát triển.
Các nhà yêu nước đương thời đã dự lập nhiều con đường, cách thức hành động khác nhau để cứu nước và giải phóng dân tộc. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành thất bại, đã đánh dấu sự kết thúc cho những nỗ lực kiểu cũ của phong trào yêu nước Việt Nam. Từ đó đòi hỏi phải có sự tìm tòi mới và một trong những hướng tìm đường cứu nước mới chính là vận động thanh niên xuất dương ra các nước.
Đương thời, Nhật Bản dưới triều đại Minh Trị thiên hoàng, cùng với tiếng vang của cách mạng Tân Hợi (Trung Hoa dân quốc) có sức hút lớn đối với các chí sĩ Việt Nam yêu nước. Nhà cách mạng Phan Bội Châu chủ trương dựa vào viện trợ từ bên ngoài để mong thực hiện cuộc cải cách ở trong nước và đã chủ xướng phong trào Đông Du. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh thì chủ trương dựa vào Pháp, tiến hành đấu tranh nghị trường theo phương châm “Pháp - Việt đề huề” để cải thiện dân sinh, tiến tới đòi lại quyền tự chủ cho dân tộc… Tất cả các cuộc khảo nghiệm tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của các nhà yêu nước tiền bối đều không thành công. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Yêu cầu khách quan, cấp bách của cách mạng Việt Nam là phải tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại để mở đường cho dân tộc Việt Nam phát triển đi lên.
Mặc dù rất khâm phục lòng yêu nước và đánh giá cao những cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng bằng dự cảm chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã nhận thấy những hạn chế và bế tắc về mục tiêu và phương pháp cách mạng của các nhà yêu nước đương thời nên khó đi đến thành công. Người quyết định đi tìm con đường cứu nước mới. Nhưng đi đâu, làm gì để cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ, lầm than của chủ nghĩa thực dân, đế quốc? Khác hẳn với các nhà yêu nước tiền bối, Người đã chọn hướng con đường cứu nước của mình sang phương Tây với bến đỗ đầu tiên trong hành trình là nước Pháp. Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát của Người, mà là sự lựa chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Năm sao, từ bến cảng Nhà Rồng (thành phố Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (bí danh Văn Ba) rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đi tìm đường cứu nước.
Vì sao trong hành trình đầu tiên đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành lại chọn hướng sang phương Tây mà không chọn sang Nhật Bản hay Trung Hoa dân quốc như một chí sĩ yêu nước đương thời? Chính từ những nhận thức về bối cảnh đất nước, về văn minh phương Tây, văn hóa Pháp khi Người còn ở độ tuổi niên thiếu và thời gian học ở Trường Quốc học Huế, đã thôi thúc Người muốn tìm hiểu về nước Pháp để xem đằng sau những từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” là cái gì. Người cho rằng: “Muốn đánh hổ thì phải vào hang hổ!”. Mặt khác, chính chủ nghĩa thực dân Pháp đang thống trị Việt Nam, cho nên Người quyết chí đến Pháp để trực tiếp xem xét, nghiên cứu. Năm 1923, Người kể lại cho một nhà báo Nga Xô-viết: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu sau những chữ ấy”. Lần khác, Người trả lời một nhà văn Mỹ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Như vậy, việc chọn hướng đi đúng trong hành trình tìm đường cứu nước là sự đột phá mới trong tư duy chính trị, thể hiện bản lĩnh độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội lớn cho dân tộc Việt Nam với việc tích hợp tinh hoa văn hóa nhân loại, mở đường cho dân tộc phát triển đi lên.
Mục đích sang phương Tây của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện tầm nhìn vượt trội so với các nhà yêu nước đương thời. Trong khoảng 10 năm (1911 - 1920), Người đã đi qua hàng chục quốc gia, từ các nước tư bản phát triển đến các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Người vừa phải tìm việc làm để kiếm sống, vừa tự học tập, tìm hiểu tình hình chính trị - xã hội của nước sở tại và các nước tư bản chủ nghĩa khác và tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Đến đâu Người cũng quan sát kỹ lưỡng, so sánh, nhận xét, đi sâu tìm hiểu cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, để tìm hiểu sâu về nền văn hóa của các nước tư bản phát triển thờì đó và thực chất của nền văn minh dựa trên chế độ người bóc lột người, chứ không phải đi cầu ngoại viện theo con đường “ỷ Pháp cầu tiến” của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh... Người hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và rút ra những nhận xét rất sâu sắc: Ở đâu, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác vô nhân đạo, ở đâu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị bóc lột dã man. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn. Người viết: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Từ kết luận này đã đặt cơ sở cho phát triển quan điểm đúng đắn của Người về bạn, thù và sớm hình thành tư tưởng kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, về sự đoàn kết cách mạng ở chính quốc với cách mạng thuộc địa.
Trong những năm ở nước Mỹ và nước Pháp, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu về các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới là cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập” và cách mạng tư sản Pháp (1789) bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền”. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường của họ được. Bởi vì, như Người đã nói: “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt trên hẳn tư duy tìm đường cứu nước của các nhà cách mạng tiền bối. Người đã kiên quyết không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, bởi theo Người, đó là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì nó không hề đề cập đến vấn đề giải phóng mọi tầng lớp nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công.
Phương thức để đạt được mục đích cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với các nhà cách mạng tiền bối và đương thời cũng có sự khác biệt và độc đáo. Cụ Phan Chu Trinh sang nước Pháp nhờ cậy vào Hội nhân quyền của Pháp. Cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản mưu cầu vào lòng “hằng tâm hằng sản” của nhiều người trợ giúp. Nhưng Người ra đi tìm đường cứu nước bằng chính bàn tay lao động và trí tuệ của mình; thông qua con đường “vô sản hóa” đi đến nhiều nước, Người vừa tích cực học tập, nghiên cứu, vừa tìm cách đấu tranh với những kẻ xâm lược đất nước mình ở ngay chính quốc. Tháng 6 năm 1919, khi các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp Hội nghị ở Véc-xây (Versailles) nước Pháp để mục đích phân chia lại thế giới, Người đã chớp lấy cơ hội đó để cùng với một số nhà yêu nước khác tại Pháp, gửi tới Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 tám điểm, tố cáo chính sách của thực dân Pháp và đòi chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trên đã gây tiếng vang lớn trong thế giới thuộc địa. Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam nhưng không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc với những lời tuyên bố về quyền tự do của các dân tộc chỉ là trò lừa bịp; và Người đã rút ra bài học vô cùng giá trị là: Sự nghiệp giải phóng dân tộc mình chủ yếu phải do dân tộc mình quyết định, phải trông cậy vào lực lượng của chính mình, chứ không phải dựa chủ yếu vào bên ngoài… Qua sự kiện đó càng khẳng định sự nhạy cảm về chính trị, tính chủ động, khôn khéo, sắc bén trong đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tầm nhìn của các nhà chí sĩ yêu nước đương thời; đồng thời, đánh dấu sự tiếp cận gần hơn chủ nghĩa Mác - Lênin của Người.
Trong bóng tối dày đặc của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L’Humanité) Pháp, Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin. Bản Luận cương của V.I. Lênin như luồng ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Nguyên Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”.
Sự kiện được đọc bản bản Luận cương của V.I. Lênin, cùng với những hoạt động sát cánh với các tầng lớp công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa, cùng đồng bào mình trên đất Pháp trước đó, là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tổ chức ở thành phố Tua (Tours), tháng 12/1920. Người đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Véc-xây năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự lựa chọn và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó hoàn toàn phù hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, đã kéo theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam từ đây đã có một phương hướng mới. Người đã rút ra một luận điểm hết sức khoa học và cách mạng triệt để: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với những người Việt Nam yêu nước tiền bối. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở nước ta, dẫn đến sự ra đời các tổ chức cộng sản vào nửa cuối năm 1929 và Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã về nước và cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lựa chọn, cả dân tộc ta đã anh dũng bước vào cuộc các cuộc kháng chiến trường kỳ và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong một thế kỷ nhìn lại ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mỗi chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc trên đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay đã được bắt đầu và quyết định từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”. Một con người, một tấm lòng với khát vọng cháy bỏng quyết ra đi tìm đường cứu nước, nay đã để lại một dấu ấn lịch sử huy hoàng trong thế kỷ XX: Đó là thời đại Hồ Chí Minh; và “chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”./.
Đại tá, ThS Nguyễn Đức Thắng
(Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng)