Hãy giúp con thuộc bảng chữ cái
Cô Thúy Minh nhận định: Về lý thuyết, bên cạnh những kỹ năng và kiến thức được trường mầm non trang bị theo đúng quy định, học sinh hoàn toàn không cần học đọc, học viết trước khi vào lớp 1. Song thực tế hiện nay, rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở các thành phố lớn đã đua nhau cho con học trước cho "yên tâm" và hi vọng giảm áp lực cho cả trẻ và gia đình khi con thực sự bước vào năm học.
Thực tế này dẫn đến tình trạng, trong lớp học có nhiều học sinh đã đọc và viết tốt học cùng lớp với bạn chưa biết gì. Điều này vô tình mang lại sự vất vả cho giáo viên đứng lớp. Những học sinh đã biết thì chủ quan, không tập trung vào bài học của cô, học sinh chưa biết thì chậm và tâm lý hoang mang, lo lắng vì thua kém bạn bè.
Theo thời khóa biểu chung cho học sinh cả nước, tất cả học sinh sẽ học chung một bài học, một giáo trình. Do vậy, con học trước có nghĩa là con sẽ phải học lại.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ cho con học thêm trước lớp 1 với các giáo viên dạy không chuẩn theo hướng dẫn chung nên ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiếp thu bài học ở lớp 1: như cầm bút sai, cách viết các con chữ cũng sai, điểm đặt bút và dừng bút không đúng. Khi vào học, giáo viên phải sửa rất mất thời gian. Thậm chí, nhiều cháu không sửa được do đã thành thói quen.
Bởi vậy, trước khi con vào lớp 1, cha mẹ chỉ cần hỗ trợ con làm quen và thuộc bảng chữ cái là đã đủ về phần kiến thức để con sẵn sàng cho lớp học đầu tiên của bậc tiểu học.
Giúp con chuẩn bị tâm lý và kỹ năng
Theo cô Thúy Minh, chuẩn bị tâm lí và sức khỏe để bé sẵn sàng đi học cần được cha mẹ coi là ưu tiên hàng đầu trong hành trang vào lớp 1 cho con. Cha mẹ cần biết rằng, dù học trước hay không thì cuối năm học, một đứa trẻ bình thường đều đạt yêu cầu. Hết lớp 1 các cháu sẽ đều đọc thông viết thạo.
Tâm lý phụ huynh lo lắng nên cho đi học trước, thật ra không cần. Chỉ nên cho các cháu làm quen trước khi vào lớp 1 khoảng 2-3 tuần với các nội dung chủ yếu về rèn luyện kỹ năng cần thiết vì các con chuẩn bị thay đổi môi trường học tập.
Cô Thúy Minh khuyên cha mẹ nên cho con đến trường tiểu học để làm quen với trường mới, có bàn, có ghế, có bảng, có phấn, có cô giáo, và việc học tập ở trường tiểu học sẽ khác với mầm non rất nhiều. Đây là việc cha mẹ rất nên làm để chuẩn bị tâm lý cho con.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên đặc biệt lưu ý quan tâm đến "ngày đầu tiên đi học" của con. Trong buổi đầu con đến với môi trường mới, cha mẹ cần lắng nghe con thật nhiều, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Hãy đưa con đến trường, vào lớp học và tham gia một sô hoạt động chung cùng với con để con có cảm giác yên tâm khi ở môi trường mới.
Thực tế, có những ông bố bà mẹ không chuẩn bị tâm lý cho con đã khiến con sợ hãi khóc thét khi đến trường. Việc phụ huynh đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc hay hứa lèo với con là ba mẹ đi một chút sẽ trở lại đón con... sẽ khiến bé có cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ không được thương yêu...
Khi học mẫu giáo trẻ đang quen với môi trường học tập và vui chơi khá tự do nên lúc vào trường mới phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới cũng như quy tắc mới, bé sẽ có nhiều sợ hãi.
Hơn nữa giai đoạn này, bé tiếp tục có những thay đổi về thể chất như rụng răng sữa, mọc răng hàm, nên dễ mắc bệnh. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thắc mắc về mọi hiện tượng của bé nhiều hơn.
Vì thế phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe để thấu hiểu con, đừng bao giờ dọa "con mà không đi học thì mẹ không thương, mẹ đánh đòn hoặc mẹ cho ra ngoài đường", bởi những đe dọa ấy ít nhiều đều làm tổn thương tâm hồn non nớt của con.