Các nhà khoa học thuộc trường Đại học San Fancisco, Mỹ đang tìm kiếm sự sống ở Wolf 1061c, hành tinh ngoài hệ Mặt Trời chỉ cách Trái Đất 14 năm ánh sáng.
"Nó nằm rất gần Trái Đất, thuận lợi để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu nhằm phát hiện dấu hiệu sự sống", Stephen Kane, nhà thiên văn học làm việc tại Đại học San Francisco, cho biết.
Wolf 1061c nằm trong "vùng Goldilock", vùng quỹ đạo không quá lạnh hay quá nóng để duy trì sự sống, của ngôi sao chủ Wolf 1061.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học cho biết nó nằm ở rìa trong, rất gần ngôi sao. Vị trí này khiến nhiệt lượng bị giữ lại trong khí quyển của Wolf 1061c, gây ra hiệu ứng nhà kính tại nơi có nhiệt độ tăng đều. Quá trình này xảy ra tương tự ở sao Kim, nơi hiện nay có nhiệt độ khoảng 471 độ C, rất nóng và không thể sống được.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện quỹ đạo của Wolf 1061c thay đổi nhanh, khiến khí hậu chuyển biến hỗn loạn.
"Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn loại trừ khả năng sự sống xuất hiện trên Wolf 1061c", Kane nói.