Cơ duyên bất ngờ
Cũng như bao tân cử nhân báo chí khác, năm 2007, cô Hoàng Thị Ngân bắt đầu theo đuổi niềm đam mê và có hai năm làm việc đúng chuyên môn tại quê hương.
Năm 2010, gia đình nhỏ chào đón bé gái đầu tiên. Không may, em bé được chẩn đoán mắc một căn bệnh lạ có tên khoa học U Teratoma (U quái). Không còn cách nào khác, cô Ngân phải tạm thời nghỉ làm để chăm sóc con trong bệnh viện.
Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn với cả gia đình vì chi phí điều trị, tiền thuốc men,... vô cùng đắt đỏ. Cô và chồng phải vay mượn nhiều nơi để con có thể điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ chỉ định với hy vọng em bé sẽ mau chóng khỏi bệnh và khoẻ mạnh trở lại.
Sau hơn một năm cố gắng, con gái được xuất viện; cô Ngân cũng quay trở lại với công việc thường nhật để kiếm thêm thu nhập, vun vén cho gia đình.
Tuy nhiên, do tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác xa nhà, cô nhận thấy rằng bản thân ở thời điểm đó đã không còn phù hợp với nghề báo nữa. Vậy là cô quyết định đổi hướng, gác lại đam mê của mình để tìm một công việc khác để thuận tiện hơn cho việc chăm sóc gia đình.
“Thời gian đó tôi làm đủ mọi công việc. Chỉ cần đó là công việc đàng hoàng, có thể có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống là tôi không ngại gì hết" - cô Ngân nhớ lại.
Vài tháng sau, cô được người quen giới thiệu cho việc làm tại một trường mầm non tư thục. Vì không có chứng chỉ sư phạm nên cô chỉ đảm nhận vai trò là giáo viên phụ, giúp các cô giáo trông nom, chăm sóc các bạn nhỏ.
Ban đầu, cô gặp rất nhiều khó khăn trong công việc do không được đào tạo bài bản từ khi đi học, không biết làm thế nào để dỗ dành trẻ nhỏ, không biết cách quản lý các con,...
Cô Hoàng Thị Ngân từ một nhà báo "rẽ ngang" thành giáo viên mầm non. |
Nhưng có lẽ, bằng sự nhanh nhạy, chịu khó học hỏi và quan sát đồng nghiệp, cô nhanh chóng tiếp thu được cách nhắc nhở, chỉ dạy các bạn nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày tại trường.
Dần dần, từ một người “tay ngang", cô Ngân tìm thấy niềm vui trong công việc, thích được vỗ về cảm xúc của các bạn nhỏ, thích được ngắm nhìn đôi mắt trong veo của các con - điều khiến những mối lo toan về cơm áo gạo tiền của cô tan biến. Vậy là cô quyết định tìm cách đăng ký đi học để được đào tạo chuyên nghiệp tại trường sư phạm mầm non và gắn bó với Trường mầm non Sakura Montessori (Hà Nội).
Giáo viên hạnh phúc mới khiến trò hạnh phúc
Vào thời điểm đó, nghề dạy học không mang lại thu nhập cao bằng các nghề khác nhưng cô Ngân không cho rằng đó là thước đo cuộc sống. Dù biết con đường phía trước dài và gian nan, song cô tin rằng đó là một con đường vui vẻ, nơi nhìn thấy niềm hy vọng trào dâng về một tương lai tươi sáng hơn.
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi “bén duyên” với nghề nhà giáo, cô Ngân vẫn trầm ngâm khi nghĩ lại khoảng thời gian chập chững “học nghề" với rất nhiều vất vả, rất nhiều khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua.
Nhưng với sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, của đồng nghiệp, cùng sự kiên trì của mình, cô đã miệt mài học tập để trở thành một giáo viên mầm non đúng nghĩa.
Cô Hoàng Thị Ngân đạt được nhiều thành tích sau 11 năm công tác tại trường mầm non. |
Ngày qua ngày, tình yêu với các bạn nhỏ trong cô cứ thế lớn dần. Tình yêu thương ấy chẳng thể nào giấu được qua những cử chỉ ân cần và ánh nhìn đầy trìu mến của cô với từng bạn nhỏ.
“Bất cứ nghề nào cũng phải có tình yêu, đặc biệt là với môi trường mầm non nhiều áp lực. Tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực cố gắng mỗi ngày. Mỗi đứa trẻ như một bông hoa, nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc nhất” - cô Ngân trải lòng.
11 năm dành trọn tình yêu cho những “mầm non tương lai”, cô Hoàng Ngân đạt được rất nhiều thành tích trong giảng dạy; được lãnh đạo nhà trường ghi nhận, đồng nghiệp và học sinh yêu mến phụ huynh tin tưởng.
Tâm niệm bản thân phải thực sự hạnh phúc mới giúp cho những đứa trẻ mình dạy dỗ hạnh phúc, và hạnh phúc giản đơn của cô Ngân là được nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, được nhìn thấy các con tự tin thể hiện bản thân, được nhìn thấy những cử chỉ ân cần của con với những người thân trong gia đình và với bạn bè. Hơn thế, là sự thay đổi, sự trưởng thành, sự tử tế của học trò sau mỗi ngày đến trường.