Hạnh phúc khi biết chấp nhận khác biệt

Đàn bà thường thất vọng với tính cách của chồng rồi bỏ công “cải huấn” chồng nhưng kết quả vẫn… đâu hoàn đó. Tại sao?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đàn ông là thế

Anh Nguyễn Trọng Minh - Cán bộ ngành thuế, làm việc tại quận 1 (TPHCM) đi họp phụ huynh về, vợ hỏi dồn: “Anh đi họp, giáo viên thông báo những gì?”. “Ờ, thì chủ yếu là thông báo mấy khoản tiền linh tinh” - Anh qua quýt. Vợ bực: “Tiền linh tinh là những khoản gì? Bao nhiêu mới được chứ?”. 

Anh Minh gãi đầu: “Quên mất rồi, hỏi lại cô sau vậy”. Vậy là một bài “giáo huấn” được vợ tuôn ra. Nào là “anh bỏ cả buổi đi họp để làm gì mà không nắm thông tin quan trọng”, rồi “sao chuyện học hành của con, anh cứ ngơ ngác, chẳng quan tâm gì cả”…

Trước đây, chị Hòa vẫn đi họp phụ huynh, nhưng sau đó chuyển cho chồng phần việc này với lý do “để chồng biết quan tâm việc học của con cái”. Ngày đầu tiên đi họp, anh Minh chỉ nhớ con mình học lớp 3, nhưng chẳng nhớ lớp 3 nào. 

Không dám điện thoại hỏi vợ vì sợ bị mắng, anh đành gặp Ban giám hiệu, đọc tên con để xác định lớp. Không ngờ, có một học sinh trùng tên con, vậy là anh vào họp nhầm lớp. Vụ “bê bối” này bị vợ phát hiện, sau đó mỗi lần có chuyện liên quan đến việc anh "thiếu trách nhiệm" với con, chị lại lôi chuyện này ra “nhai” lại.

Cách xài xể của vợ đôi khi khiến người ngoài nhầm tưởng anh Minh “đụt” lắm, nhưng thực ra không phải vậy. Ở cơ quan, anh là một quản lý có năng lực, thậm chí rất nhanh nhạy. 

Từ hồi mới cưới, anh đã chủ động giao vợ làm “bà chủ” trong nhà quyết hết mọi chuyện. Bị vợ nhắc nhở nhiều, có lần, anh nửa đùa nửa thật: “Em có dạy dỗ thêm nữa thì anh cũng vậy thôi, đầu anh luôn phải nhớ, phải nghĩ nhiều việc khác. Những chuyện linh tinh, anh không để ý”.

Cũng bị một “phốt” như anh Minh, nhưng chuyện của anh Đặng Ngọc Nam - Phó giám đốc Công ty dịch vụ vận tải Địa Nam - liên quan đến chuyện ăn nhậu. Có lần, con chớm sốt, hai vợ chồng đã thống nhất đưa con đi khám thì bạn anh “hú”.

Anh nghĩ đơn giản, trẻ con sốt là bình thường, trời lại đang nắng, để trời mát rồi đi khám cũng được. Mặc vợ lạnh tanh nét mặt, anh vẫn chạy ra quán gặp bạn với ý định ngồi một chút rồi về. Ngờ đâu, khi anh đang nâng ly bia thì ở nhà con sốt cao. 

Điện thoại của anh lại hết pin, vợ gọi không được nên tự đưa con đến bệnh viện. Trong lúc bấn loạn, vợ anh đã thông báo cho gia đình hai bên về việc con bị sốt mà chồng vẫn đi nhậu.

Rồi con cũng khỏi bệnh, nhưng người thân bên nội - ngoại vẫn nhớ đến chuyện “cha uống bia trong lúc con nhập viện”. Riêng vợ anh, xem đó là một ví dụ tiêu biểu để “minh họa” cho chuyện thiếu trách nhiệm của anh. 

Có khi tranh cãi về chuyện nuôi dạy con cái, đuối lý, vợ anh chuyển qua “đòn quyết định”: “Cha ngồi nhậu được trong lúc con đang cấp cứu thì còn nói gì nữa”.

Việc anh Nam chìm đắm vào thú vui riêng và lơ là con cái xảy ra thường xuyên. Những lần mâu thuẫn, vợ anh đã không ngại tuyên bố: “Số tôi khổ khi lấy phải anh, gần 40 tuổi rồi mà ham chơi hơn cả trẻ con”.

Một trong những điều thất vọng phổ biến mà người vợ nhận thấy từ chồng là việc “ông ấy về nhà là ngồi như tượng, con ôm vai bá cổ mà cũng cáu”. 

Chị Lê Thị Tâm - Giáo viên tiểu học - đã chia sẻ trong buổi giao lưu “Gia đình hạnh phúc thời hiện đại” diễn ra ở quận Gò Vấp (TPHCM) mới đây: 

“Ông xã tôi tốt tính, rất yêu thương vợ con, nhưng có một điểm mà hơn mười năm chung sống, tôi vẫn không hiểu là tại sao cứ về nhà là ông ấy thích ngồi một mình. Vợ hỏi chuyện thì ậm ừ cho qua, con chơi đùa cũng khó chịu. Ông ấy chỉ thích đọc báo, đọc sách một mình. Như vậy có ích kỷ?”. 

Câu hỏi của chị Tâm nhận được đồng cảm của nhiều chị em khác tại buổi giao lưu. Nhiều người vợ tỏ ra khó chịu khi chồng ở nhà cứ lừ đừ, khó tính, trong khi gặp bạn bè là rôm rả, nói cười liến thoắng.

Chỉ còn cách chấp nhận

Những câu chuyện trên chẳng phải cá biệt, bởi nó xuất phát từ đặc điểm cơ bản của tính cách đàn ông. Trong tâm lý học, có 4 định luật tâm lý sai biệt giữa nam và nữ: 

Luật chi tiết: người đàn ông mang tính chất tổng quát nên ít dòm ngó, xét nét những chuyện lặt vặt trong nhà, người phụ nữ thì ngược lại; luật ưu tiên: người chồng thường ưu tiên thể xác nên dễ bị sa đà vào thú vui riêng, trong khi người vợ ưu tiên tình cảm; luật phân cách: người chồng vì đam mê nên dễ phân cách với vợ con, người vợ lại thích lúc nào cũng được gần gũi; luật thính giác: người vợ rất thích nói, nhưng người chồng lại chẳng muốn nghe vợ nhiều lời.

Với tính cách hướng đến chi tiết, cách một người vợ đi họp phụ huynh sẽ khác hẳn người chồng. Vì rất chú ý đến chi tiết nên sau buổi họp, người vợ có thể kể vanh vách nội dung cuộc họp thế nào, gồm những ai phát biểu, khoản phí nào gây tranh cãi và nội dung tranh cãi thế nào. 

Quan trọng nhất là phụ huynh phải đóng những khoản tiền gì, đóng bao nhiêu, bao giờ hết hạn đóng. Trong khi đó, đa phần ông chồng đi họp với tâm thế “mình đang phải lo nghĩ nhiều việc hệ trọng, lại bắt mình phải đi dự những cuộc họp vô bổ này”. Vì vậy, trong suốt cuộc họp, người chồng vẫn nghĩ những việc riêng, không chú ý nhiều đến nội dung họp. 

Việc một ông chồng không nhớ cụ thể con học lớp nào, có thể gây sửng sốt với người vợ, nhưng đó là chuyện bình thường với các ông. 

Thậm chí, có ông “lơ tơ mơ” đến mức con mình đã lên lớp 4 vẫn nhớ nhầm con mình đang học lớp 3. Các quý ông thường để ý đến việc con học có tốt hay không, kế hoạch học tập trong tương lai xa của con sẽ như thế nào. 

Đặc điểm sai biệt về tính cách đã dẫn đến sai biệt về mối quan tâm của vợ và chồng, nên không thể kết luận “đàn ông không nhớ rõ chi tiết việc học của con, chứng tỏ đàn ông không yêu con”.

Trong cuộc sống hiện đại, khi mỗi người đủ điều kiện tìm đến mối quan tâm, thú vui cá nhân, luật sai biệt về sự ưu tiên càng được thể hiện nhiều. 

Với những người vợ không chơi thể thao và cần mẫn chăm lo cho gia đình thì việc ông chồng bỏ thời gian chơi bida, tennis hay những môn thể thao khác là “rửng mỡ”. 

Họ muốn chồng phải chung tay với mình chăm chút cho ngôi nhà, kèm con học, chở con đi công viên chơi. Đàn ông dễ đặt thú vui cá nhân lên hàng đầu, trong khi phụ nữ hướng đến giá trị tinh thần, muốn vợ chồng, con cái lúc nào cũng kề bên chuyện trò để vun đắp giá trị tình cảm.

Khi cả hai vợ chồng cùng ở nhà, người vợ sẽ cảm thấy thật ấm áp, hạnh phúc lúc vợ chồng ngồi bên nhau, nhưng chuyện ấy thường chỉ diễn ra thuở mới quen. 

Luật phân cách khiến người chồng chỉ muốn được “yên thân”. Trong cuốn sách Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim TS John Gray nhắc đến việc đàn ông thích chui vào “hang”. 

Trong cái “hang” riêng của mình ấy, người đàn ông được thỏa thích trầm mặc theo dòng suy nghĩ riêng, đọc báo, đọc sách một mình, được xem ti vi theo cách riêng. 

Khi muốn giao tiếp, người đàn ông ấy sẽ tự khắc tìm đến vợ để trò chuyện. Vì vậy, chuyện những ông chồng vốn hoạt giao, nhưng về nhà là như pho tượng, âu cũng bình thường.

Chỉ cần nêu ra bốn điểm sai biệt về tính cách của đàn ông và phụ nữ như trên, đã thấy khoảng cách về tâm lý của hai giới lớn thế nào. Nếu người vợ vẫn luôn cho mình là đúng, thì chắc chắn sẽ thấy chồng dở “toàn tập”. 

Nếu không muốn thất vọng về chồng, người vợ không còn cách nào khác là chấp nhận sự khác biệt tính cách của đàn ông như những “hằng số” (số không đổi). 

Dĩ nhiên, nếu đàn ông cứ thoải mái sống theo đặc tính tâm lý của cá nhân, bất chấp cách sống đó gây khó chịu cho vợ cũng sẽ không ổn. 

Trong chừng mực nào đó, người chồng cũng phải “mài” bớt những “gai góc” của tính cách đặc trưng về giới, để hạn chế tổn thương cho người bạn đời.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ