Tại Hội thảo Smart IoT 2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hàng trăm ngàn camera an ninh tại Việt Nam tồn tại các lỗ hổng bảo mật nguy hiểm.
Cụ thể, trong số các camera an ninh được sử dụng tại Việt Nam, 316.712 thiết bị (được lắp đặt tại nhà riêng, cửa hàng, nhà xưởng, văn phòng…) đang tồn tại lỗ hổng gây nguy cơ mất an toàn thông tin.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc camera an ninh tồn tại lỗ hổng có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người dùng. Cụ thể, hacker có thể lợi dụng các lỗ hổng này để xâm nhập camera, xem hình ảnh do camera ghi lại.
Nguy hiểm hơn, hacker có thể lấy hình ảnh nhạy cảm của chủ nhân mà camera ghi lại để phát tán lên mạng, lên website khiêu dâm hay thậm chí dùng để tống tiền chủ nhân.
5 tỉnh, thành phố có số lượng camera an ninh tồn tại lỗ hổng nhiều nhất lần lượt là: Hà Nội (gần 60.000 thiết bị), TP HCM (gần 48.000 thiết bị), Hải Phòng (gần 7.000), Đà Nẵng (hơn 4.500) và Thái Nguyên (hơn 2.700).
Ba nhà sản xuất có thiết bị camera đang được sử dụng tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng nhiều nhất là Hikvision (hơn 210.000 thiết bị), Dahua (gần 50.000) và Avtech (khoảng 20.000). Ngoài camera an ninh thì các Router (bộ định tuyến), máy in và VoIP là những thiết bị IoT có lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo Cục An toàn thông tin, camera an ninh tại Việt Nam tồn tại nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công mạng là do thiết bị đã tồn tại sẵn lỗ hổng hay người sử dụng để nguyên mật khẩu mặc định ban đầu hoặc đặt mật khẩu dễ đoán.
Bên cạnh đó, năng lực về an toàn thông tin của nhà sản xuất, khả năng cập nhật vá lỗi của các thiết bị còn kém và những hạn chế về nhận thức an toàn thông tin của người sử dụng cũng dẫn đến tình trạng này.