Ở ngõ có lối dẫn vào nhà, người ta cho dựng một cánh cổng rào. Thường ngày xưa cổng rào được làm bằng tre nứa. Vì nhẹ, rẻ và bền. Mặt khác, cổng rào bằng tre có giá trị thẩm mỹ cao, gợi sự liên tưởng thanh bình, yên ả, gần gũi, man mác hơn là cổng sắt. Hơn nữa, ngày trước, do kinh tế khó khăn nên tre là vật liệu làm cổng được bà con ưa chuộng.
Có nhiều thứ dùng để làm hàng rào. Tùy vào phong cách, điều kiện, sự khéo tay mà người nhà quê cho xây dựng những hàng rào đẹp mắt, độc đáo, ấn tượng. Có nhà yêu thiên nhiên, thích sự trong lành thì xây hàng rào bằng lũy hoa dâm bụt. Mỗi buổi sáng, khi không gian còn đẫm hơi sương, mặt trời mới ló dạng thì những chú chim sâu đã kéo nhau về, trong lùm cây, trong những tán lá cuốn tròn để bắt sâu. Chúng hót vang trời, khiến cho gia chủ, những lão nông dân dậy sớm ngồi trước thềm nhà uống trà cảm thấy thích thú. Buổi trưa, trẻ con chạy quanh hàng rào dâm bụt để hái hoa làm lồng đèn, nói cười nhốn nháo. Chơi chán chê, chúng chuyển qua trò ú tìm. Hàng rào dâm bụt trở thành những nơi trú ngụ an toàn, “địch” khó mà phát hiện.
Nhiều gia đình giàu có, muốn đảm bảo sự an toàn cho tài sản nhà mình nên họ cho trồng hàng rào xương rồng. Những cây xương rồng gai góc, chịu hạn, chịu nắng trở thành bức tường thành chắc chắn. Lại có nhiều gia đình yêu cây cỏ, vị thuốc nam, đã cho trồng hàng rào đinh lăng, đinh hương, sử quân tử. Nó vừa mang tính thẩm mỹ, thân thiện, vừa là bài thuốc quý khi bà con thôn quê cần dùng. Cũng có nhà dùng cây gỗ như tre, củi dừa, rồi đóng thành cọc, trải dài. Những ô vuông phức hợp không theo một quy tắc nào, đôi khi vô trật tự nhưng lại giống như một nghệ thuật sắp đặt có tính mỹ thuật cao. Càng nhìn càng thấy thích mắt.
Khách đến nhà, không phải bấm chuông như ở thành thị mà đứng trước cổng rào và gọi. Tiếng chó sủa, mèo kêu, nhắc nhở gia chủ có người đến thăm. Hàng rào thôn quê dù chỉ là hình thức (bởi không bảo vệ được trộm cướp) nhưng ít ra qua đó thấy được sự thanh bình, yên ả, hiền hòa như chính con người thôn quê.