Những đội bóng đang chơi tại Premier League từng tự tin về khả năng tài chính của họ, dựa vào nguồn thu khổng lồ từ tiền bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã thay đổi.
Bản quyền truyền hình - con dao hai lưỡi
Đầu tuần này, Giám đốc Điều hành Premier League Richard Masters cảnh báo giải đấu số một xứ sở sương mù có thể mất hơn 1,23 tỷ USD vì cuộc khủng hoảng do dịch bệnh hiện tại.
Chủ tịch Mike Garlick của CLB Burnley sau đó cho biết nếu Premier League không sớm trở lại, đội bóng này sẽ rơi vào cảnh phá sản. "Đó là sự thật. Nếu giải đấu không thể tiếp tục, chúng tôi sẽ phá sản vào khoảng tháng 8. Đội bóng mong muốn mùa giải có thể trở lại. Hoàn thành những trận đấu còn lại là điều tất yếu với sự tồn tại của nhiều đội bóng", Garlick phân tích trên Sky Sports.
Trong trường hợp giải đấu bị hủy, đội bóng này có nguy cơ chịu khoản lỗ lên tới 60,2 triệu USD, bao gồm tiền bản quyền truyền hình và bán vé trên sân nhà. Điều đó dẫn đến nguy cơ Burnley không thể chi trả tiền lương cho cầu thủ và nhân viên đội bóng.
Garlick nhận định Burnley không phải CLB duy nhất ở Premier League rơi vào tình trạng này. Thậm chí với vài CLB khác, ngày phá sản của họ có thể đến sớm hơn Burnley.
"Đây không còn là chuyện của riêng Burnley hay bất cứ đội bóng nào. Đây là vấn đề của tất cả đội trong hệ thống bóng đá Anh và những công ty, doanh nghiệp đang hưởng lợi từ hệ thống này. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử", Garlick phân tích.
Tháng 4/2018, ban tổ chức Premier League công bố doanh thu 6,4 tỷ USD, kỷ lục mới trong lịch sử giải đấu. Tuy nhiên, ở thời điểm đó vài CLB tại Premier League đã có quỹ lương trung bình chiếm tới 78% trong tổng số doanh thu.
Những đội bóng Premier League quá tự tin khi tiền bản quyền truyền hình của giải đấu tăng liên tục trong nhiều năm qua. Ngay cả một CLB nghèo nhất của Premier League năm ngoái cũng nhận hơn 115,3 triệu USD từ tiền bản quyền truyền hình.
"Các CLB sẽ phá sản nếu những ông chủ đội bóng sẽ chọn cứu việc kinh doanh của họ thay vì đội bóng", một chuyên gia của Daily Mail phân tích. Ông này cũng chỉ ra hiệu ứng domino sẽ xảy ra nếu một CLB mất khả năng thanh khoản, nó sẽ kéo theo các CLB khác.
Nếu mùa giải Premier League bị hủy, các CLB sẽ đối mặt với số tiền phạt lên tới 940 triệu USD. Tổng cộng thiệt hại cuối cùng có thể lên tới 1 tỷ USD, con số kỷ lục của bóng đá thế giới.
Sau Burney, Watford và Crystal Palace là 2 CLB phụ thuộc rất lớn vào tiền bản quyền truyền hình. |
Viễn cảnh được dự báo trước
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định các CLB bóng đá đã nhận được những lời cảnh báo từ trước.
"Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã đưa ra những lời cảnh báo về tình hình tài chính của các CLB Premier League", chuyên gia John Purcell phân tích. "Các CLB quá phụ thuộc quá nhiều vào tiền bản quyền truyền hình. Và khi số tiền bản quyền tăng theo năm, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn".
"Không ai có thể tưởng tượng được những chuyện như hiện tại xảy ra", Purcel phân tích. Những CLB lớn như Manchester United có thể sống bình yên vì tiền bản quyền truyền hình chiếm 38% doanh thu của họ.
Tuy nhiên, với những đội như Watford, tiền bản quyền truyền hình chiếm 83% trong tổng doanh thu của họ. Với Bournemouth tình hình còn tồi tệ hơn nhiều khi con số này lên tới 88%. Con số này với Burnley, đội bóng vừa lo sợ phá sản là 83,3%.
Một chuyên gia tài chính phân tích với Daily Mail rằng sự mất cân bằng giữa quỹ lương, dòng tiền và doanh thu sẽ đẩy nhiều CLB Premier League tới viễn cảnh xấu nhất.
Những đội bóng như Watford, Crystal Palace, Burnley hay Newcastle đã vay mượn rất nhiều trong thời gian qua, bên cạnh đó còn là các khoản phí chuyển nhượng cầu thủ chưa thanh toán hết (mua theo dạng trả góp). Theo thống kê của Daily Mail, có 6 CLB hàng đầu Premier League là đạt tỷ lệ tiền bản quyền truyền hình/doanh thu dưới 52,9%.
Các CLB Premier League có 3 lần nhận tiền bản quyền truyền hình trong một mùa giải, đó là vào tháng 8, tháng 1 và khi mùa giải kết thúc. Những khoản tiền này sẽ đảm bảo các CLB có thể chi trả ngược lại cho cầu thủ, nhân viên và thậm chí là các tay cò chuyển nhượng. Khi MU mua Harry Maguire, họ sẽ trả cho Leicester rất nhiều lần.
Đây là quy tắc chuyển nhượng thông thường trên thế giới. Với các ngân hàng, họ sẽ quan sát kỹ tình hình hiện tại và không chắc những "con cá mập" tài chính nói sẽ cho các CLB của Premier League vay để trả nợ.
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi mô hình hoạt động của Premier League là các ông chủ sở hữu đội bóng. Tại Newcastle, doanh nhân Mike Ashley đã có nhiều tai tiếng khi điều hành "Chích chòe". Khi đế chế kinh doanh bên ngoài của Ashley bị lung lay, khó mà tin ông sẽ bỏ tiền túi ra để giúp đội bóng.
Chủ tịch Tottenham Daniel Levy năm ngoái đã cảnh báo về "bong bóng chuyển nhượng trong bóng đá". Điều đó giờ trở nên tồi tệ với cuộc khủng hoảng hiện tại.
Hôm 9/4, The Times tiết lộ Premier League thống nhất sẽ chi một khoản tiền mặt nhất định (khoảng vài triệu USD/đội) để "chữa cháy" 20 CLB của giải đấu lúc này. Tuy nhiên, Purcell kết luận ngay cả một đứa trẻ mới biết làm toán cũng có thể nhận ra số tiền trên không thể giải quyết vấn đề.