Hàng không đang trở thành tuyến đường nóng về buôn lậu

GD&TĐ - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Chống buôn lậu - giải pháp trong những tháng cuối năm” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (14/11) tại Hà Nội.  

Hàng không đang trở thành tuyến đường nóng về buôn lậu

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm - Bộ đội Biên Phòng; Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương; Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam…

Những bất cập, chồng chéo

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Bằng các biện pháp đấu tranh quyết liệt, các lực lượng chống buôn lậu như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường... đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao liên quan đến các mặt hàng như: Rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, thực phẩm, hàng may mặc...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn, như vụ việc gần đây khi một cán bộ Quản lý thị trường đã bị các đối tượng buôn lậu tấn công dẫn tới tử vong trong khi làm nhịêm vụ, là ngành đang bị thiệt hại rất lớn vì thuốc lá nhập lậu.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - đánh giá: Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ra một Chỉ thị riêng về chống buôn lậu thuốc lá. Với sự ra đời của chỉ thị 30 CT-TTg ngày 30/9/2014 và sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trên cả nước tình trạng buôn lậu thuốc lá đã có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 tới nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại diễn biến gia tăng và ngày càng phức tạp.

Một trong những vấn đề đặt ra đó là chế tài xử lý hiện này còn nhiều bất cập chồng chéo, nhất là quy định mới đây trong Bộ Luật Hình sự 2015 đã tạo nhiều kẻ hở cho buôn lậu ngày càng phát triển. Cụ thể, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được BLHS 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn, và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại BLHS 1999. Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại BLHS 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng.

Mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ, nên tính răn đe sẽ giảm đi rất nhiều. Do mức tối thiểu để bị xử lý hình sự tăng tới 4,4 lần so với luật hiện hành nếu tính giá bán buôn trung bình là 15.000/bao. Mức tăng này là quá lớn trong bối cảnh KT-XH không có nhiều biến động, tiêu thụ thuốc lá toàn xã hội và giá thuốc lá trước thuế nói chung không thay đổi nhiều trong khi vấn nạn buôn lậu thuốc lá vẫn đang tiếp diễn phức tạp và có xu hướng gia tăng từ đầu năm 2016. Việc tăng mức tối thiểu để xử lý hình sự như vậy là chưa có căn cứ thỏa đáng để thực hiện một sự nới lỏng lớn về pháp luật như hiện nay. Bên cạnh đó, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp sẽ phức tạp, phải qua hội đồng định giá có sự tham gia của đại diện đến từ nhiều cơ quan khác nhau.

Ngoài ra, quy định trên đi ngược lại với chính sách tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian gần đây, cụ thể là Chỉ thị số 30/CT-TTg năm 2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) quy định “Kinh doanh sản phẩm thuốc lá” là “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” đã gây ra hiểu nhầm rằng kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu là ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trên thực tiễn. Mặc dù Điều 9 của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Thuốc lá điếu nhập lậu cũng được quy định là hàng cấm kinh doanh theo Nghị định 43/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại.

Hàng lậu, hàng giả làm thất thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Có thể nói buôn lậu, hàng giả đang là một trong những vấn đề tồn tại nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Đài THVN có riêng chuyên mục Chống buôn lậu hàng giả phát sóng hàng ngày. Trong các mặt hàng buôn lậu thì thuốc lá có sức hấp dẫn nhất do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, mức chênh lệch cao (gấp 4,5 lần). Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.

Theo thống kê, thuốc lá lậu hiện đang gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách Nhà nước. Năm 2012, thất thu thuế vào khoảng 6.500 tỷ đồng và đã tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây. Chưa kể dẫn tới mất việc làm cho rất nhiều người nông dân trồng thuốc lá và công nhân.

Thêm vào đó, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được về chất lượng. Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhiều lần đưa tin về việc phát hiện các chất độc hại như coumarin, cadmium vượt quá mức cho phép trong thuốc lá nhập lậu, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người tiêu dùng

Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Thuốc lá đã luôn tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu. Nhất là sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 2371 QĐ-TTG ngày 26/12/2014 tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Hiệp hội đã huy động gần 34 tỷ đồng chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và Ban Chỉ đạo 389 địa phương.

Theo Hiệp hội thuốc lá, năm 2015, việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước gần 10.000 tỷ đồng. 10 tháng của năm 2016, Hiệp hội này đã hỗ trợ tiêu hủy trên 16 tỷ đồng. Đặc biệt, từ 1/1/2017 tới đây Hiệp hội này sẽ nâng mức hỗ trợ tiêu hủy lên 4.500 đ/bao.

Thống kê từ Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), tính hết tháng 10, Cục đã kiểm tra 145.000 vụ và phát hiện 88.000 vụ vi phạm, số tiền xử phạt và thu về cho ngân sách Nhà nước là 523 tỷ đồng. Trong đó, riêng về an toàn thực phẩm, Cục kiểm tra xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.