Hàng chục trường học ở Yên Bái thiếu gạo vì quy định mới?

GD&TĐ - 32 trường học ở Yên Bái đang phải vay gạo ăn từng bữa cho gần 20 nghìn học sinh bởi nguồn cấp của Nhà nước chậm so với kế hoạch.

Các thầy giáo Trường PTDTBT TH&THCS xã Hồ Bốn kiểm tra gạo vay từ phụ huynh.
Các thầy giáo Trường PTDTBT TH&THCS xã Hồ Bốn kiểm tra gạo vay từ phụ huynh.

Vay gạo dân để trò không đứt bữa

Theo Nghị định 116/2016, mỗi học sinh bán trú sẽ được Nhà nước hỗ trợ 15 kg gạo/tháng thực học. Thế nhưng, theo phản ánh, thời điểm này việc cấp gạo cho các trường có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái chậm hơn so với kế hoạch. Điều này khiến cho các đơn vị trường học gặp khó.

Theo ghi nhận, hai huyện nghèo của Yên Bái là Trạm Tấu và Mù Cang Chải có 32 trường PTDTBT, DTNT với gần 20 nghìn học sinh. Thời gian này, các trường trên đang phải “căng mình” ra ứng gạo của các hộ kinh doanh, người dân địa phương để chăm lo bữa ăn hàng ngày cho học sinh.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái tại Công văn 251 ngày 5/3/2024, tổng số gạo phải cấp trong kỳ II năm học 2023 - 2024 cho các trường PTDTBT, PTDTNT trên địa bàn là hơn 1.947 tấn. Trong đó, xuất tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn là 1.875 tấn, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phúc xuất hơn 72 tấn. Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2024, số gạo này vẫn chưa đến với học sinh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo các trường đã phải linh hoạt đi vay gạo từ những hàng tạp hoá trên địa bàn. Có trường còn vận động học sinh sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, trở lại trường học mang theo gạo nhà để cho trường vay.

Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang (Mù Cang Chải) có 515/603 học sinh bán trú. Trong đó, 286/515 em là con hộ nghèo. Mỗi ngày, trường phải sử dụng 257kg gạo nấu ăn cho học sinh.

Theo lãnh đạo nhà trường, lượng gạo trong kho đã hết 2 tuần nay. Để đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho học sinh, trường phải vay mượn từ phụ huynh, mỗi gia đình là 15kg. Dù vậy, không phải ai cũng có gạo để cho vay vì nhiều gia đình còn không có gạo ăn.

Đến 19/3, nhà trường đã phải đi vay hơn 11 tấn gạo. “Dù hôm nay đã là ngày 22/3, nhưng học sinh vẫn chưa được cấp gạo nên đơn vị phải huy động gạo từ phụ huynh học sinh với mỗi em 15kg. Gạo trong kho cũng đã hết, nhà trường sẽ tiếp tục huy động học sinh mang gạo đi để nấu ăn”, bà Dương Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang cho biết.

Trường PTDTBT TH&THCS xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) là ngôi trường trải qua đợt lũ quét hồi tháng 8/2023. Tại đây có 635/806 học sinh bán trú. Mỗi ngày, trường sử dụng từ 270 - 290kg gạo nấu cơm cho học sinh. Nhưng từ 6/3 đến nay, trường đã phải vay hơn 8 tấn gạo từ khắp nơi (4,7 tấn từ phụ huynh; 4 tấn từ các tiểu thương).

Lãnh đạo nhà trường cho biết, nếu từ nay đến cuối tháng 3 mà vẫn chưa được cấp thì đơn vị cũng không biết lấy gạo ở đâu để duy trì bếp ăn.

“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn việc cấp phát gạo cho học sinh cần kịp thời. Trong năm nên cấp cho kỳ I vào tháng 8; còn kỳ II vào tháng 2 để đảm bảo cho bữa ăn các em khi nhập trường. Như năm nay đến mùng 10/4 mới cấp gạo thì cũng khó khăn cho trường”, ông Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Hồ Bốn chia sẻ.

Năm học 2023 - 2024, huyện Mù Cang Chải có trên 22 nghìn học sinh, trong đó có 12 nghìn em thuộc diện bán trú ở 21 trường nội trú, bán trú được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, 7 trường PTDTBT Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện cũng đang trong tình trạng “báo động”.

“Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường và địa phương hỗ trợ trước mắt bằng việc vay của phụ huynh để chăm lo bữa ăn cho con em. Còn lại cũng kiến nghị các đơn vị cần tính toán hỗ trợ kịp thời để không ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh”, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải bày tỏ.

Nhờ vay gạo mà học sinh bán trú vẫn đảm bảo bữa ăn hàng ngày.

Nhờ vay gạo mà học sinh bán trú vẫn đảm bảo bữa ăn hàng ngày.

Chậm do… cơ chế?

Chiều 25/3, Báo GD&TĐ liên hệ với ông Lê Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn. Ông Lê Tiến Dũng xác nhận tình trạng cấp gạo chậm đến các trường như phản ánh.

Ông Dũng lý giải, trước kia việc vận chuyển gạo bằng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, để tăng tính minh bạch, khách quan khi triển khai, theo quy định mới, việc cung cấp, vận chuyển gạo cho các đơn vị phải thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng. Điều này dẫn đến tình trạng chậm hơn so với năm trước.

Tại Văn bản số 163 do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn ban hành (ngày 22/3) về việc phối hợp trong công tác giao nhận gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh kỳ II năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái thể hiện: “Ngày 27/2, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn đã có quyết định 42 giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Cục xuất gạo hỗ trợ học sinh tỉnh Yên Bái và 7/3 đã làm việc, thống nhất với Sở GD&ĐT Yên Bái về thời gian, phương án giao, nhận gạo...

Do sự thay đổi của pháp luật về đấu thầu, việc thực hiện một số khâu trong quy trình xuất gạo phải tuân thủ quy định về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu nên dự kiến thời gian giao gạo sẽ chậm hơn so với các năm trước khoảng 10 - 12 ngày...”.

“Cục cũng đã rất cố gắng để việc cấp gạo có thể đến tay học sinh nhanh nhất. Thứ Tư này (27/3), bên mình sẽ phối hợp với các trường để tiến hành giao, nhận gạo. Các bên xác định sẽ không có ngày nghỉ, tiến hành chậm nhất đến 10/4 sẽ cấp đủ gạo đến các trường”, ông Lê Tiến Dũng thông tin.

Trả lời Báo GD&TĐ về việc làm thế nào để những năm tiếp theo việc cấp gạo hỗ trợ cho học sinh không bị chậm muộn, các trường không bị rơi vào thế khó, ông Lê Tiến Dũng cho rằng, trước mắt đơn vị sẽ rút kinh nghiệm và sẽ chủ động hơn để học sinh không bị đứt bữa như năm học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.