Giao “quà” xong, cả hai trở về Bắc Kạn đi làm, sinh hoạt bình thường như không có chuyện gì xảy ra... Khi em anh V bật đài thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên cướp đi mạng sống của ba người có mặt tại hiện trường.
Mối tình đầu ngang trái
Ở Trại giam Xuân Nguyên, TP Hải Phòng, Lại Thị Kiều Lan là nữ phạm nhân mang án tù chung thân khá đặc biệt. Lan sinh năm 1977, trong một gia đình gia giáo ở xã Sơn Tiến (Thịnh Đán, Thái Nguyên). Từ nhỏ, Lan học giỏi và chăm ngoan nên được mọi người yêu mến.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp 3, nay là Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với điểm số cao. Khi còn là sinh viên, cô gái xứ trà được nhiều chàng trai “thầm thương trộm nhớ”. Thế nhưng, Lan chưa để ý đến ai mà chỉ chuyên tâm học hành.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô gái “tài sắc” được gia đình xin cho vào làm việc tại Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội. Cũng thời gian này, mối tình đầu đã “gõ cửa” trái tim cô. Người đàn ông của mối tình đầu Lan trao gửi là anh Nguyễn Văn V, cán bộ làm việc tại Công ty Pentak thuộc KCN Sài Đồng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Lan đã trao gửi những gì quý giá nhất của đời con gái với hy vọng sau này sẽ nên duyên đôi lứa. Nhưng mọi ước mơ của cô không thành hiện thực. Mối tình đầu ngắn ngủi chưa đầy một năm nhưng dư âm của nó để lại trong lòng Lan bao tiếc nuối... Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ, nhưng Lan chỉ thấy cay đắng khi vừa chia tay không lâu, anh V đã cưới ngay người con gái khác.
Tuyệt vọng và đau đớn trước những vấp ngã đầu đời, cô gái trẻ tưởng chừng không gượng dậy nổi. Phần vì muốn chạy trốn mối tình đầu tan vỡ, phần vì làm ở Hà Nội trái ngành trái nghề, thu nhập không đủ tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống nên sau đó Lan được gia đình xin cho về làm tại Công ty Khoáng sản Bắc Kạn.
Ở môi trường làm việc mới mà phần đông cán bộ công nhân là nam giới, cô kỹ sư nông nghiệp xinh đẹp, mặn mà trở thành “tâm điểm” được nhiều chàng trai quan tâm săn đón. Những sóng gió tình đầu dần qua đi, con tim Lan đã vui trở lại khi gặp chàng kỹ sư trẻ đẹp trai, chu đáo và từng trải Ngô Mạnh Hùng. Hùng sinh năm 1971, hơn Lan 6 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Hùng công tác tại Công ty Tư vấn xây dựng Bắc Kạn. Ở bên Hùng, Lan luôn có cảm giác được che chở, vỗ về. Hai người đã tính đến chuyện sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm... Yêu nhau ít lâu thì Lan dọn về chung sống với Hùng.
Quá trình chung sống, vốn là kẻ dày dạn, Hùng phát hiện Lan không còn trinh trắng nên đã căn vặn Lan về chuyện trước đây. Không còn cách nào khác, Lan đành phải thú nhận về mối tình đầu cay đắng với anh V mà cô chỉ muốn đào sâu chôn chặt...
Cuộc trả thù tình tàn khốc
Lan kể, sau khi phát hiện cô đã mất “cái ngàn vàng” Hùng đã căn vặn đủ điều và tát cô hai cái nảy đom đóm mắt. Từ hôm đó trở đi, ngày nào Hùng cũng mang chuyện quá khứ của Lan ra để nhiếc móc cô.
Đó quả thực là quãng thời gian Lan thấy tuyệt vọng vô cùng khi phải sống chung với người tình vũ phu ấy. Có lần, Lan đã nói với Hùng rằng, nếu cứ dằn vặt nhau mãi thế này thì mình thôi nhau đi. Không ngờ nghe xong, Hùng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với cô.
Lan nhớ, có lần Hùng bắt cô phải gọi điện thoại cho anh V, hẹn gặp để anh ta “nói chuyện” vì sao lại đối xử tệ bạc như vậy với cô. Qua cuộc điện thoại Lan nghe hai người to tiếng thóa mạ nhau, sau đó anh V nói: “Tao thải nó ra cho mày đấy”. Lan kể lại chuyện cũ trong tiếng nấc nghẹn, nước mắt nhòe nhoẹt cả gương mặt.
Chi tiết này khi ra tòa, anh V chỉ thừa nhận giữa anh và Hùng có cãi nhau chứ không xúc phạm Lan. Cho rằng đàn ông tức lên có khi chỉ đánh nhau một trận là xong, Lan không dám khuyên Hùng. Cô cũng không ngờ được người yêu lại nung nấu ý định trả thù đến cùng kẻ mà anh ta cho rằng có hành động “sở khanh” đối với người phụ nữ của mình.
Ngày 31/10/2003 là ngày định mệnh đối với cuộc đời Lan, biến một cô gái xinh xắn, hiền lành thành kẻ đồng phạm giết người. Buổi trưa hôm đó, khi Lan vừa đi làm về thì Hùng giục cùng xuống Thái Nguyên. Được nửa đường, Hùng mới nói ý định sẽ giết V cho cô nghe.
Lan rất sợ hãi khi biết được ý định ấy của Hùng, nhưng gã đe dọa nếu không nghe theo thì hai đứa cùng chết. Từ Bắc Kạn qua Thái Nguyên, Hùng không chở Lan về nhà mà đi thẳng xuống Sóc Sơn, đến nhà V để trả thù.
Từng có thời gian phục vụ trong quân đội nên Hùng biết cách làm mìn tự tạo. Anh ta mua một chiếc đài, cho kíp và thuốc nổ vào trong và gói lại thật đẹp rồi bảo Lan ngồi sau xe chở đến nhà V. Gần đến nhà V, Hùng bảo Lan đứng ngoài chờ, còn anh ta thuê xe ôm vào khu tập thể Lữ đoàn 971, Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần.
Gặp chị N - vợ anh V - Hùng giả vờ nói với chị đây là quà gửi cho V và dặn khi nào anh về mới được mở ra. Giao “quà” xong, cả hai vội trở về Bắc Kạn, đi làm, sinh hoạt bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, không như toan tính của Hùng, hôm đó anh V đi làm vắng. Ở nhà có vợ anh V, cháu nhỏ mới sinh và em trai anh này.
Khi được một người đàn ông tặng hộp quà sang trọng, người em trai anh V đã sung sướng khi phát hiện đó là một chiếc đài. Không chút nghi ngờ, người này bật nút đài thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên khiến ba người thiệt mạng. Người em họ anh V sang chơi cũng bị trọng thương...
Vướng vòng lao lý
Vụ án mạng khiến người dân quanh vùng bàng hoàng. Ngay lập tức, các điều tra viên của Công an TP Hà Nội đã xuống khám nghiệm hiện trường, lập chuyên án điều tra. Ngay từ đầu các điều tra viên nhận định đây là vụ án giết người do mâu thuẫn cá nhân.
Lấy lời khai của V, chắp nối các thông tin và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã bắt giữ đôi tình nhân Hùng - Lan trước sự ngạc nhiên đến bàng hoàng của bố mẹ cô. Lan tâm sự, gia đình cô vốn là gia đình gia giáo nên khi biết thông tin, bố mẹ cô đã rất sốc.
Lan nhớ như in những ngày đầu cô và Hùng cùng bị bắt vào Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội. Mọi cánh cửa như đóng sập trước mắt cô. Những người ở bên cạnh cô khi ấy toàn những ả buôn người, trộm cắp, lừa đảo.
Môi trường ấy phải rất lâu sau Lan mới quen được. Cho đến bây giờ, sau gần hai chục năm thụ án trong trại giam, Lan vẫn giữ nguyên vẻ ngơ ngác, hiền lành giữa những bạn tù trong trại. Trong tù, cô trách Hùng một thì lại tự trách mình mười. Giá như Lan quyết liệt hơn, ngăn chặn ý định đen tối của Hùng thì mọi việc đã khác.
Lúc còn trong trại tạm giam, Hùng đã nhắn nhủ rằng anh ta thương Lan lắm. Chỉ vì sự ngu ngốc, ích kỷ, Hùng đã tự tay kết thúc cuộc đời mình và đẩy người con gái mà anh ta yêu vào vòng tù tội. Trước tòa, anh V đề nghị mức án cao nhất dành cho Hùng và Lan khiến trái tim cô thêm một lần nát tan, đau đớn.
Người mà cô đã từng yêu hết mình, đã dâng hiến đời con gái để rồi nhận về mình sự bẽ bàng, đang nhìn cô với ánh mắt căm thù tột độ. Khi được nói lời sau cùng, cả hai đều khóc, xin Hội đồng xét xử khoan hồng.
Thế nhưng, xét những gì đã gây ra cho gia đình nạn nhân khiến ba người vô tội tử vong, một người thương tật vĩnh viễn 94%, tòa đã tuyên Ngô Mạnh Hùng tử hình, Lại Thị Kiều Lan tù chung thân... Không lâu sau phiên tòa xét xử, tử tội Ngô Mạnh Hùng phải ra pháp trường trả giá cho hành vi độc ác của mình.
Nỗi đau còn đó
Nhiều năm qua đi, nhưng hậu quả tàn khốc của vụ nổ mìn năm nào vẫn ám ảnh “cậu bé” Nguyễn Văn Thơ. Thơ may mắn thoát chết nhưng bị thương tích đến 94%. Giờ đây cứ mỗi lần lại gần bếp gas, thấy lửa là Thơ lại thấy sợ hãi... Đã ngoài 30 tuổi nhưng Nguyễn Văn Thơ có giọng nói, dáng hình vẫn như của một học sinh trung học.
Anh cao chừng 1m50, da dẻ trắng trẻo. Vẻ ngoài như thế nên ít ai có thể biết được chàng trai này đã phải trải qua những nỗi đau dai dẳng về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngày 31/10/2003, là ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời của Thơ. Thi đỗ vào Trường THPT Sóc Sơn, Thơ lên xã Tiên Dược trọ học tại nhà anh họ Nguyễn Văn V.
Chiều hôm đó, khi Thơ vừa đi chợ về thì thấy vợ và em trai anh V đang lúi húi trước cửa nhà, trên tay là một vật trông giống hộp bánh. Thơ lại gần thì một tiếng nổ đinh tai phát ra và em không còn biết gì nữa.
Tỉnh lại, em đã thấy mình nằm trên giường bệnh. Hai con mắt của Thơ đã bị hỏng hoàn toàn, chỉ còn là một rãnh sâu. Cả sống mũi của anh cũng bị dập nát. Một bên quai hàm bị vỡ và nhiều vết sẹo ở cổ, ở ngực.
Sau vụ nổ ấy, Thơ mất tới 94% sức khỏe, phải trải qua nhiều đợt điều trị dài ngày tại các Bệnh viện Bạch Mai, Saint Paul... Sau đó, Thơ được chuyển về bệnh viện ở Sóc Sơn. Ít lâu sau thì trở về nhà tự chữa trị. Sau cú nổ định mệnh ấy, Thơ phải nghỉ học điều trị dài ngày.
Sau một vài tháng đầu còn có bạn bè, thầy cô qua lại chăm sóc, an ủi thì dần dần chỉ còn mình Thơ với bóng tối. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ chợt tan biến. Nhiều đêm Thơ lại thấy hình ảnh chị N, anh T và cháu bé hiện về. Hễ có tiếng động mạnh là Thơ lại giật mình vì sự ám ảnh quá đỗi kinh hoàng...
Thời gian gần đây có một chuyện làm Thơ và gia đình cảm thấy được an ủi nhiều hơn, đó ông Lại Văn Doanh - bố đẻ của phạm nhân Lại Thị Kiều Lan đã gọi điện, thay mặt con gái xin lỗi Thơ, cùng gia đình người bị hại. Ông Doanh kể, mỗi lần được gọi điện thoại về gia đình Lan đều tỏ ra vô cùng ăn năn hối lỗi.
Cô giục bố đến thăm gia đình người bị hại, gửi cho họ một số tiền gọi là phần nào bù đắp lại những thiệt thòi mà họ đã phải chịu đựng. Ông Doanh cũng lặn lội từ Thái Nguyên về Sóc Sơn, trao tận tay Nguyễn Văn Thơ số tiền 30 triệu đồng. Số tiền ấy quả là rất lớn đối với gia đình Thơ, nhưng tại thời điểm này thì cũng chỉ mang tính chất an ủi. Đôi mắt, sức khỏe của Thơ chẳng thể nào lấy lại được nữa...