Hàn Quốc: Thách thức khi sinh viên y khoa đi học lại

GD&TĐ - Sinh viên y khoa Hàn Quốc sẽ trở lại trường học tập sau gần 17 tháng nghỉ để phản đối chính sách.

Các trường y quá tải do hàng nghìn sinh viên đi học lại.
Các trường y quá tải do hàng nghìn sinh viên đi học lại.

Tuy nhiên, thách thức của lĩnh vực giáo dục y tế vẫn còn đó.

Sau gần 17 tháng nghỉ học để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ, sinh viên y khoa Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ quay trở lại trường. Tuy nhiên, sự trở lại này không đồng nghĩa với việc khủng hoảng kết thúc.

Trái lại, các trường y, chính quyền và bản thân sinh viên đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về tổ chức đào tạo, giải quyết xung đột nội bộ và khôi phục niềm tin vào hệ thống giáo dục y tế quốc gia.

Mới đây, tại trụ sở Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) ở Seoul, đại diện Hiệp hội Sinh viên Y khoa (KMSA), KMA và các ủy ban Quốc hội đã cùng nhau ra tuyên bố chung về việc sinh viên sẽ trở lại trường.

Tuyên bố cho biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở đặt niềm tin vào chính phủ mới của Tổng thống Lee Jae Myung và Quốc hội, với mục tiêu bình thường hóa lại hệ thống giáo dục y khoa và ngành y tế công cộng sau khủng hoảng kéo dài.

Trước đó, từ tháng 2/2024, sinh viên các trường đại học y khoa Hàn Quốc đã nghỉ học tập thể để phản đối việc chính phủ tăng thêm 2 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh.

Tổng thống Lee Jae Myung hoan nghênh động thái trên, cho rằng đây là “một diễn biến muộn màng nhưng đáng mừng”. Ông chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo quá trình tái nhập học được diễn ra suôn sẻ và kịp thời.

Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục y khoa tại Hàn Quốc đứng trước rất nhiều thách thức. Ước tính hơn 8,3 nghìn người, tương đương 40% tổng số sinh viên cả nước, bị lưu ban hoặc có nguy cơ bị buộc thôi học do thiếu điểm chuyên cần, tín chỉ.

Ngoài ra, việc đồng thời tiếp nhận các sinh viên của ba khóa học 2024, 2025 và 2026 sẽ khiến chương trình giảng dạy trở nên quá tải. Các trường y ở Hàn Quốc vận hành hệ thống đào tạo theo năm, không chia theo học kỳ, dẫn đến việc học bù là không thể.

Với sinh viên năm 3 và 4, những người phải hoàn thành ít nhất 40 tuần học chuyên ngành mỗi năm, việc tái sắp xếp lịch học là một thách thức lớn. Trong khi đó, sinh viên cuối cần hoàn thành đầy đủ thực tập lâm sàng mới đủ điều kiện thi lấy chứng chỉ hành nghề, khiến áp lực thời gian và đào tạo càng nặng nề hơn.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố sẽ phối hợp với các trường đại học và bộ, ngành liên quan để xây dựng lịch học mới phù hợp và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tổng thống Lee Jae Myung nhấn mạnh: “Các trường đại học cần quan tâm đến việc đối thoại và khuyến khích sinh viên. Cùng với đó, trong tương lai, chính phủ sẽ không chỉ xử lý hậu quả, mà còn đặt nền tảng cải cách bền vững cho chính sách y tế”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ