Hạn, mặn khốc liệt đang bủa vây miền Tây

Hạn, mặn khốc liệt đang bủa vây miền Tây

Hơn 80.000 hộ dân thiếu nước ngọt

Theo Bộ NN&PTNT, hạn hán, xâm nhập mặn năm nay ở miền Tây thiệt hại thấp hơn so với năm 2016 nhưng cường độ lại khốc liệt, gay gắt hơn rất nhiều.

Thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến giữa tháng 2/2020, tổng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019 - 2020 khoảng 29.700 ha (trong đó vụ mùa 16.000 ha và đông xuân 13.700 ha). Đồng thời, tại các tỉnh thuộc ĐBSCL có khoảng 82.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cánh đồng lúa khô cằn vì thiếu nước.
Cánh đồng lúa khô cằn vì thiếu nước. 

Hiện đã có 12/13 tỉnh thành thuộc miền Tây chịu ảnh hưởng, thiệt hại vì hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 ‰ xâm nhập sâu 100 - 110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông là 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62 - 65 km tại sông Cái Lớn. Các sông còn lại đều cao hơn 3 - 8 km.

Tình trạng hạn, mặn làm hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì đồng lúa, vườn cây ăn trái bị thiệt hại; đời sống khó khăn vì thiếu nước ngọt. Hệ thống sông rạch cạn khô, nhiều công trình giao thông bị sụt lún nghiêm trọng. Nhiều nơi nước mặn lấn sâu vào đất liền khiến người dân không kịp trở tay.

Tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau chịu thiệt hại và ảnh hưởng của hạn, mặn nặng nề nhất. Nhiều hộ dân ở Bến Tre, Tiền Giang phải bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để mua 1m3 nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới vườn cây ăn trái. Nhiều vườn cây lâu năm như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt khô héo vì thiếu nước ngọt.

Để đáp ứng nhu cầu nước ngọt, các tổ chức, cá nhân khắp nơi huy động xe tải, xe bồn, xe chữa cháy, xà lan chở nước cung cấp, “giải khát” cho người dân và vườn cây.

Anh Nguyễn Hải Đăng, Trưởng nhóm Tình nguyện viên cung cấp nước ngọt cho người dân Tiền Giang cho biết, bà con vùng Tân Phú Đông nhận được nước ngọt rất vui mừng và cảm động. Đặc thù của Tân Phú Đông là huyện cù lao, giáp biển nên nước mặn quanh năm. Bà con phải chứa nước mưa để sử dụng, nay trời hạn nước mưa đã hết không còn vì vậy thiếu nước trầm trọng. Không những huyện Tân Phú Đông mà huyện Chợ Gạo, Gò Công nước cũng bị nhiễm mặn, người dân thiếu nước sử dụng trầm trọng.

Kênh rạch ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khô trơ đáy.
Kênh rạch ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khô trơ đáy. 

Cần chuẩn bị kịch bản để ứng phó

Tại Cà Mau, hạn mặn ảnh hưởng trên toàn tỉnh, hàng ngàn người dân thiếu nước ngọt. Toàn tỉnh có hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở các huyện như U Minh, Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi… Nhiều hộ dân địa bàn ven biển phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Hạn hán còn làm nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng, khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn.

Dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày tới, xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần do kỳ triều thấp. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cấp độ 1 - 2. Từ ngày 21 - 25/3, xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần do kỳ triều thấp. Trong thời kỳ từ 16 - 25/3, các địa phương trong vùng cần tranh thủ tích trữ nước ngọt.

Cảnh khô hạn ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên.
 Cảnh khô hạn ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên.

Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3/2020. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.

Tuy nhiên, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Hạn hán làm sụt lún tuyến đường đê biển Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: V. Hữu.
Hạn hán làm sụt lún tuyến đường đê biển Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: V. Hữu. 

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), năm nay hạn mặn gay gắt, xâm nhập sâu và mức ảnh hưởng lớn hơn năm 2015 - 2016 nhưng thiệt hại không lớn do chủ động né, tránh hạn mặn từ sớm.

Tình trạng hạn mặn khốc liệt ảnh hưởng đến ĐBSCL như hiện nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, trước mắt cố gắng giữ lượng nước còn lại. Đồng thời dừng lấy nước cứu lúa (diện tích đang thiệt hại do thiếu nước) để dành nước phục vụ cho sinh hoạt và cho gia súc. Về lâu dài, cần tiết kiệm nước là chính, đồng thời các địa phương vùng ven biển nên giảm lúa càng nhiều càng tốt, chuyển sang lúa tôm và cây khác có giá trị, thay vì cứ “ôm” cây lúa như hiện nay.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Có 10/13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.