Câu hỏi:
Tôi mới sinh con được 4 tháng và hiện đang cho con bú. Tôi nghe rất nhiều người khen chè vằng như "thần dược" và truyền lại kinh nghiệm cứ uống cao chè vằng hoặc nước lá chè vằng sẽ nhiều sữa. Nhưng tôi uống đều đặn gần như thay nước từ ngay sau khi sinh mà vẫn thấy ít sữa, thiếu sữa.
Vậy thưa bác sĩ, chè vằng có thực sự có tác dụng lợi sữa và giảm cân cho phụ nữ sau sinh hay không? Và ngoài uống chè vằng, tôi nên làm gì để tăng được lượng sữa cho con?
Độc giả Minh Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Trả lời:
Hiện nay, chè vằng là loại thực phẩm được khá nhiều bà mẹ sau sinh ưa chuộng và tin dùng, thậm chí được coi như một thứ "thần dược" giúp sản phụ lợi sữa, giảm cân. Tuy nhiên, thực tế không phải ai uống cũng có tác dụng. Có người chia sẻ từng bị mất sữa sau khi uống chè vằng quá nhiều và quá đặc.
Tiến sĩ, bác sĩ đông y Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến, bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về công dụng thực tế của chè vằng, những lưu ý để tránh tác dụng ngược và nhiều mẹo giúp lợi sữa khác.
Thực hư công dụng lợi sữa của chè vằng
Theo tiến sĩ, bác sĩ đông y Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến, bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội: "Hiện đã có nghiên cứu về công dụng của chè vằng trong chữa áp xe ngực và chống nhiễm khuẩn cho sản phụ, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu đánh giá trên sản phụ sau sinh thiếu sữa".
Bác sĩ cho biết thêm, phụ nữ sau khi sinh có thể thiếu sữa hay mắc các chứng như viêm tắc tia sữa, viêm tuyến vú, áp xe vú (trong y học cổ truyền gọi là nhũ ung), cần được điều trị bằng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa.
Chè vằng là vị thuốc dân gian hay dùng để đắp ngoài chữa viêm tuyến vú, uống trong nhằm thanh nhiệt, giải độc, lợi sữa...
Thành phần chính trong lá chè vằng là flavonoid, glycosit đắng và ancaloid
Nói về thông tin uống chè vằng giúp tăng lượng sữa cho sản phụ, nhiều bác sĩ đông y từng lý giải, trong chè vằng có chứa chất glycosit đắng có tác dụng kích thích sự ngon miệng (đông y gọi là kiện tỳ vị). Theo đông y, sữa chính là do tỳ vị sinh ra, nên có thể tác dụng kiện tỳ vị của chè vằng cũng có góp phần làm tăng sự tạo sữa.
Tuy nhiên, nếu đắng quá thì quá trình tác dụng sẽ ngược lại.
Chè vằng sẻ có phải loại vằng tốt nhất?
Chè vằng có 3 loại: vằng lá nhỏ (vằng sẻ), vằng lá to (vằng trâu) cũng được dùng, còn vằng núi không dùng làm thuốc. Các loại cao chè vằng được bán rộng rãi thường dùng vằng sẻ và vằng trâu. Theo quan niệm lưu truyền trong dân gian, vằng sẻ là tốt nhất.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàn, hiện tại cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra sự khác nhau về hoạt chất của 2 loại lá trên, và khi đã nấu thành cao cũng gần như không thể phân biệt được đâu là cao vằng sẻ, đâu là cao vằng trâu.
Cách sử dụng chè vằng và các cách lợi sữa khác
Dù là thảo dược nhưng nếu được dùng với liều cao kéo dài thì chè vằng cũng có thể gây tác dụng không tốt đến cơ thể, thậm chí là tác dụng ngược lại.
Từng có sản phụ vì quá tích cực uống chè vằng sau sinh và uống quá đặc dẫn đến mất sữa. Liều lượng chè vằng hợp lý được các bác sĩ khuyên dùng là khoảng 20 -30g lá khô sắc uống mỗi ngày.
Với loại chè vằng dạng cao hiện đang khá phổ biến trên thị trường, thông thường các nhà sản xuất sẽ căn cứ vào đó để tính ra liều lượng sử dụng phù hợp.
Chè vằng có nhiều nét khá giống với cây lá ngón, nếu bị nhầm lẫn sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn.
Theo lời khuyên của bác sĩ Vũ Minh Hoàn: "Phụ nữ sau sinh nếu có những biểu hiện như thiếu sữa, viêm tắc tia sữa, viêm tuyến vú thì cũng nên uống chè vằng để cải thiện.
Nhưng nếu dùng phải đúng liều lượng và biết được nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo. Bởi cây chè vằng có nhiều điểm rất giống và dễ bị lầm với cây lá ngón - Gelsemium elegans Benth (một loại cây có lá rất độc, có thể gây chết người - PV)".
Ngoài ra, để tăng cường sự tạo sữa ở sản phụ, các bà mẹ sau sinh cũng không thể bỏ qua những lưu ý về chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp như:
- Uống nhiều nước hơn bình thường để tăng cường sự tạo sữa.
- Chế độ dinh dưỡng cần tăng thêm nhiều đồ ăn giàu đạm, đầy đủ dưỡng chất.
- Cho trẻ bú thường xuyên, đều đặn, khoảng 2 - 3 giờ 1 lần, mỗi lần trung bình từ 5 - 10 phút...
"Theo một số tài liệu, chè vằng là vị thuốc có tính kháng sinh, chống viêm, thuốc bổ đắng cho phụ nữ đẻ; trị nhiễm khuẩn sau đẻ, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, bế kinh, khí hư, thấp khớp, nhức xương, ngứa, lở chốc... Theo một nghiên cứu tại bệnh viện Thái Bình: có thể dùng lá chè vằng giã nát, hoặc giã lá với cồn 50 độ rồi đắp vào nơi bị áp xe ngày 3 lần, đêm 2 lần để điều trị áp xe vú. Một nghiên cứu khác về tác dụng chống nhiễm khuẩn của cây chè vằng mọc ở Quảng Nam - Đà Nẵng trên 254 sản phụ cũng đưa ra một số kết luận về sự giảm dùng kháng sinh trong sản phụ đẻ khó, ăn ngon, co hồi tử cung tốt, lợi sữa... Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu đánh giá trên sản phụ sau sinh thiếu sữa." - Bác sĩ Hoàn cho biết. |