Hầm trú ẩn tối mật được phát hiện trong rừng Scotland

Hầm trú ẩn tối mật được phát hiện trong rừng Scotland

Khi chặt cây trong rừng ở miền Nam Scotland, các công nhân phát hiện một vật đặc biệt nằm lẫn trong rễ cây và đám dương xỉ, đó là một cánh cửa sắt. Đây chính là một boong ke đã bị mất trong thời kì Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Boong ke này được dùng làm nơi trú ẩn cho lực lượng quân sự có thể tự sát và bí ẩn nhất của quân đội Anh thời đó.

Được biết đến với tên gọi Đơn vị hỗ trợ, hoặc đôi khi được gọi là “đội quân bí mật của Churchill”, lực lượng này là một đội quân tình nguyện tương tự như Vệ quốc quân của Anh, với trọng trách bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của phát xít Đức.

Tuy nhiên, không giống như Vệ quốc quân, các đơn vị hỗ trợ là một lữ đoàn chiến tranh du kích được che giấu trong bí mật.

Mỗi đơn vị được thành lập gồm 8 người, có căn cứ hoạt động là một trong số hàng trăm những boong ke nhỏ bé có nắp bằng bê tông, được chôn vùi khắp nơi trên đất Anh. Vị trí của các boong ke này được giữ tuyệt đối bí mật đến nỗi nhiều chiếc vẫn còn chưa được phát hiện cho đến ngày nay.

Một số bí mật trong thời chiến như thế này đã chìm vào quá khứ. Boong ke mà các công nhân lâm nghiệp đã phát hiện ra nằm ở vùng rừng xa xôi ở phía Nam Edinburg, phần sâu nhất chìm trong đất ở độ sâu 1,3m, theo tin tức được công bố từ Tập đoàn Khảo cổ AOC, bên gần đây đã khảo sát khu vực này.

Boong ke này giống như một hộp đựng cá mòi làm bằng bê tông, tường gạch và mái sắt, dài khoảng 7m, rộng 3m, đủ chỗ cho 7 người lính sống trong nhiều tháng đến 1 năm.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một vài phế liệu bằng gỗ trong boong ke có thể đã được dùng làm giường cho người lính và một chiếc hộp thiếc rỗng có thể trước đây đựng đồ ăn của anh ta.

“Từ hồ sơ, chúng tôi biết rằng có khoảng 7 người đàn ông đã sử dụng boong ke này và vào thời điểm đó được trang bị súng lục ổ quay, súng tiểu liên, súng trường bắn tỉa và chất nổ”, Matt Ritchie, nhà khảo cổ học thuộc Lâm nghiệp và Đất đai Scotland (FLS) trao đổi với BBC.

Theo nhà sử học người Anh Malcolm Atkin, cuộc sống của những người lính từ khi tham gia lực lượng hỗ trợ này đến khi kết thúc chỉ gói gọn trong 2 tuần. Đây là nhiệm vụ cảm tử quân và khi gặp nguy cơ bị bắt, họ sẽ tiêu diệt đồng đội và tự sát bằng đạn hoặc bom.

Thủ tướng Anh khi đó là Churchill đã thành lập các đơn vị hỗ trợ này vào năm 1940 mặc dù rất may là họ không bao giờ phải ra trận theo đúng dự định. Cuối cùng, khi chiều hướng của cuộc chiến tranh thay đổi, những người lính này đã được phân công lại vào các lực lượng đặc biệt trong chiến dịch Ngày D.

Trong khi các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu thì địa điểm này vẫn sẽ là bí mật đối với công chúng. Đúng theo tinh thần những người lính cảm tử, vị trí chính xác của boong ke sẽ không được tiết lộ.

Những người này chiến đấu như lực lượng du kích tự phát trong thời kì phát xít Đức xâm lược, họ bất ngờ xuất hiện từ nơi ẩn nấp để phá hoại các trang thiết bị hiện đại của kẻ thù bằng bất cứ cách gì. Các thành viên của đơn vị được huấn luyện cách phục kích, ám sát, phá hoại và trong tình huống đường cùng, họ có thể tự sát.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ