Hải Phòng: “Ngấm” chương trình mới qua từng chuyên đề

GD&TĐ - Thực hiện chương trình SGK mới, các nhà trường tại Hải Phòng chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn tổ, khối, liên trường. Thông qua các tiết chuyên đề, các thao tác, kỹ thuật của bài dạy thể hiện rõ nét.

Cô trò Trường THCS Quán Toan trong giờ học. Ảnh tư liệu
Cô trò Trường THCS Quán Toan trong giờ học. Ảnh tư liệu

Sẵn sàng nhập cuộc

Cô giáo Phạm Thị Duyên-Hiệu trưởng Trường THCS Quán Toan cho biết, để thực hiện tốt chương trình SGK lớp 6, nhà trường đã tích cực chuẩn bị từng bước cơ bản.

Nhà trường tổ chức hội thảo từ tổ, nhóm chuyên môn đến Hội đồng sư phạm để bỏ phiếu lựa chọn SGK lớp 6 từ các bộ sách. Sau đó, qua các kênh truyền thông, trường công khai các đầu sách được nhà trường chọn tới cha, mẹ học sinh. Đến nay, các đầu sách đã được phát cho 100% học sinh khối 6.

Về cơ sở vật chất với phòng học khối 6, trường có đủ màn hình, máy tính, máy soi, bảng kéo, giá sách, bàn ghế 2 chỗ ngồi. Trường có một phòng Tin học có 42 máy, có kết nối mạng LAN, có internet đủ điều kiện để dạy môn Tin học.

Các thầy cô giáo tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng, tập huấn chương trình SGK của Sở GD&ĐT tổ chức trực tuyến từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021. Đồng thời, cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục bộ môn, kế hoạch bài dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với trung tâm Tin học của Sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên tập huấn CNTT trên nền tảng sử dụng team trong dạy học online hiệu quả, xử lý âm thanh, video trong thiết kế bài giảng Elearning.

Giáo viên Trường THCS Quán Toan tham dự khóa bồi dưỡng chương trình SGK lớp 6.
Giáo viên Trường THCS Quán Toan tham dự khóa bồi dưỡng chương trình SGK lớp 6.

Giáo viên của trường tự bồi dưỡng các modun trong chương trình giáo dục phổ thông trên phần mềm LMS. Qua các buổi bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề các thầy cô hình dung rõ nét bài dạy và các thao tác lên lớp. Đến nay, nhà trường đã sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới, cô Duyên chia sẻ.

Cô Bùi Thị Thuận- GV môn Hóa-Sinh, Trường THCS Quán Toan, quận Hồng Bàng cho hay, đến nay cô giáo đã soạn giáo án môn học theo chương trình mới để sẵn sàng lên lớp cho học sinh lớp 6 vào tuần học tới. Giáo viên tổ Sinh- Hóa của nhà trường đã thảo luận xây dựng bài giảng, lên lớp sinh hoạt chuyên môn môn Khoa học tự nhiên trong toàn quận.

Cô Thuận cho rằng, chương trình mới có sự giảm tải nhẹ nhàng hơn chương trình hiện hành. Nhưng có một số từ ngữ và đơn vị kiến thức được đưa vào thêm. Ban đầu khi bồi dưỡng thay sách giáo viên còn bỡ ngỡ, nhưng sau khi xây dựng bài giảng các thầy cô dễ tiếp cận và hình dung cụ thể tiết dạy.

Theo cô Thuận, mẫu giáo án mới cô đọng hơn, không chi tiết như mẫu giáo án cũ. Vì thế, với giáo viên mới ra trường sẽ khó xây dựng được theo yêu cầu. Trong cùng tổ chuyên môn, các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy đã tích cực, hỗ trợ cho giáo viên mới.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chương trình SGK lớp 6 có kiến thức nhẹ nhàng, phù hợp với học sinh.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chương trình SGK lớp 6 có kiến thức nhẹ nhàng, phù hợp với học sinh.

Chất lượng qua từng chuyên đề

Với phong cách dạy nhẹ nhàng, cách tiếp cận kiến thức từ thực tế cuộc sống, cô giáo Lê Thị Minh Hiền – GVCN lớp 2A3, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng đã lên lớp chuyên đề môn Toán qua Bài 3: Các thành phần trong phép cộng và trừ, cụ thể là Tiết 1: Số hạng – Tổng.

Bài dạy của cô Hiền là một hoạt động chuyên môn nối tiếp chương trình bồi dưỡng thay SGK mới cho giáo viên khối lớp 2.

Qua bài dạy, từ kiến thức thực tiễn đếntrừu tượng, thông qua quan sát, trải nghiệm một số ví dụ cụ thể cô Hiền giúp học sinh rút ra kiến thức cơ bản. Cô Hiền cho rằng, tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong SGK môn Toán bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” là kiến thức được giới thiệu một cách trực quan, đi vào bản chất trước khi đi sâu vào kĩ thuật hay năng lực tính toán.

Buổi lên lớp chuyên đề của cô giáo Lê Thị Minh Hiền – GVCN lớp 2A3, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương.
Buổi lên lớp chuyên đề của cô giáo Lê Thị Minh Hiền – GVCN lớp 2A3, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương.

Song song các hoạt động chuyên môn khác, phòng GD&ĐT huyện An Dương, thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1 một cách nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo.

Ông Vũ Mạnh Hùng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương cho hay, các trường tổ chức hiệu quả các tiết sinh hoạt chuyên môn, chú trọng đổi mới các hình thức dạy học qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học theo chương trình SGK mới với lớp 1.

Trong năm, toàn huyện tổ chức 372 chuyên đề chuyên môn, trong đó 3 chuyên đề cấp huyện, 103 chuyên đề cấp trường, 266 chuyên đề cấp tổ, khối.

Cụ thể, Trường Tiểu học Đồng Thái tổ chức chuyên đề môn Tiếng Việt lớp 1 “Nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình GDPT 2018”. Trường Tiểu học Hồng Phong thực hiện thành công chuyên đề môn tiếng Anh lớp 1 “Nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh lớp 1”. Qua chuyên đề, giáo viên cùng trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm để cùng xây dựng từng bài dạy một cách hiệu quả.

Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng qua năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, chất lượng giáo dục với học sinh lớp 1 của huyện An Dương nâng lên rõ nét. 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, học sinh được rèn luyện thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, nhằm nâng cao chát lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Phán-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy cho hay, các trường tiểu học trên địa bàn chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp nhằm đảm bảo yêu cầu, mục tiêu giáo dục, phù hợp với học sinh đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Đối với các trường THCS, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhưng các trường chủ động bố trí, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh lớp 6 học chương trình SGK mới.

Ngoài việc học bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên trong hè, giáo viên tổ khối sinh hoạt chuyên môn bằng nhiều hình thức khác nhau để cùng chia sẻ, phân tích, định lượng kiến thức và các thao tác kỹ thuật của bài dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...