Hải Phòng: Khốn đốn vì dịch tả lợn châu Phi

GD&TĐ - Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát trên địa bàn 3 huyện của Hải Phòng với số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến vài nghìn con. Dịch bệnh đã gây tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Giờ đây, họ chỉ mong sớm dập được dịch, được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại giúp ổn định sản xuất.

Cơ quan chức năng kiểm tra khu tiêu hủy lợn
Cơ quan chức năng kiểm tra khu tiêu hủy lợn

Kiệt quệ

Ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, anh Lê Đức Vị (SN 1973), thôn Dưới, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết: Vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, cả nhà giờ chỉ cấy 2 sào ruộng còn lại tập trung cho hai trại nuôi lợn. Đợt DTLCP này đã khiến đàn lợn 19 con của gia đình tôi ở trại thứ nhất bị chết sau 3 ngày phát bệnh. Cơ nghiệp gia đình đang trông mong vào sự an toàn của trại còn lại với 5 con lợn nái và 30 con lợn nhỡ.

Đợt DTLCP ập đến khi đàn lợn thịt ở trại nhà anh Vị sắp cho xuất chuồng với trên 60kg một con. 19 con dần đổ bệnh, khiến vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ. Cộng thêm nỗi lo, trại còn lại “dính” bệnh nữa thì không biết sẽ xoay sở ra sao. Anh Vị nuôi lợn cũng được hơn chục năm. Những năm trước, các dịch bệnh như lợn tai xanh, tiêu chảy... đều có vacxin phòng chống nên không gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Dịch bệnh lần này lợn cứ mắc bệnh là lăn ra chết khiến kinh tế gia đình anh, cũng như nhiều gia đình khác kiệt quệ.

Giống như hộ anh Vị, gia đình anh Lê Văn Quyền (SN 1974), thôn Dưới, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên cũng “khóc dở, mếu dở” khi cả đàn lợn 28 con bị tiêu hủy ngay tại vườn nhà do DTLCP xảy ra hôm 24/2 vừa qua.

Hiện, công tác phòng chống DTLCP được các đơn vị chức năng của TP Hải Phòng kiểm soát chặt chẽ, nhằm dập dịch và khống chế dịch lây lan trên diện rộng. Tại các cửa ngõ ra vào TP đều có các chốt trạm của đoàn liên ngành. Trong đó, chú trọng tại các điểm chốt chính là: Trạm thu phí Quán Toan đi Hà Nội; Trạm thu phí cao tốc tại nút giao xuống đường 353 đi Đồ Sơn; Trạm thu phí cao tốc tại địa bàn huyện An Lão xuống quốc lộ 10… và các điểm chốt chặn tại tất cả các quận, huyện. 

Anh Quyền chua xót nói: Không gì đau khổ bằng chính mình nhìn thấy và tự tay mình lại tiêu hủy đống tài sản mà gần một năm chăn nuôi của cả gia đình. Nhưng, dịch bệnh thì buộc phải tiêu hủy để khống chế bệnh chứ biết làm sao được. Anh Quyền chăn nuôi lợn được khoảng 5 năm nay, qua đợt “bão” giá năm 2016 vợ chồng anh vẫn cố trụ để chăn nuôi kiếm đồng thêm thắt nuôi 3 con ăn học. Đợt dịch này kéo đến làm cho anh trở tay không kịp khi số tiền đầu tư vào trang trại khá lớn và lãi vay ngân hàng ngày một nhiều.

Anh Quyền đầu tư giống và xây chuồng mất khoảng hơn 300 triệu đồng thì vay ngân hàng tới 200 triệu đồng, mỗi tháng trả gốc và lãi cũng gần 5 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn, anh Quyền nuôi thêm một trại gà nhưng cũng đã xuất chuồng trước tết Kỷ Hợi 2019, hiện chuồng gà vẫn để trống. Ngồi bần thần tính toán, anh Quyền bảo, có thể lại phải khử trùng chuồng trại, mua gà về gột giống để nuôi. “Để chuồng không thế này phí lắm mà đến kỳ trả lãi ngân hàng không biết xoay xở sao”, ông Quyền than thở.

Dịch bệnh được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ
  • Dịch bệnh được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ

Mong sớm được hỗ trợ

Anh Vũ Văn Quyết (thôn 2, Liên Khê, Thủy Nguyên) cho biết: Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ chăn nuôi lợn. Việc duy trì con giống, thức ăn là nhờ vào sự hỗ trợ của Ngân hàng NN&PTNT huyện. Nuôi lợn mười năm nay nhưng đây là đợt dịch nguy hiểm nhất và gây tổn thất nặng nề về kinh tế với gia đình anh Quyết, ước tình thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Hộ anh Quyết, anh Vị, anh Quyền và nhiều hộ dân khác có lợn dương tính với DTLCP bị tiêu hủy đang rất nóng lòng mong được nhận hỗ trợ của Nhà nước để có vốn, tìm hướng chăn nuôi, kéo kinh tế gia đình đi lên.

Đến thời điểm này, Hải Phòng có 3 huyện bùng phát DTLCP là Thủy Nguyên, Tiên Lãng và An Dương. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, hiện nay tại các xã thuộc 3 huyện bùng phát dịch bệnh nói trên thì có 5 hộ thuộc xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên đã được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại trong chăn nuôi từ cơ quan Nhà nước còn lại các hộ khác đều chưa nhận được khoản tiền nào.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trịnh Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thủy Nguyên cho biết, 5 hộ đầu tiên có lợn dương tính với DTLCP buộc phải tiêu hủy đã được huyện trích kinh phí hỗ trợ, tổng số tiền là hơn 118 triệu đồng nhằm động viên các hộ kịp thời khắc phục môi trường khu vực chăn nuôi, tuyên truyền để các hộ khác kịp thời báo cáo dịch bệnh, không giấu dịch, bán chạy lợn, phát tán dịch bệnh ra ngoài môi trường. “Hiện tại, chúng tôi chưa làm phương án hỗ trợ cho các hộ khác vì cơ quan chức năng đang tập trung dập dịch, khi công bố hết dịch, chúng tôi sẽ lên danh sách cụ thể, dán niêm yết công khai tại các trụ sở UBND xã để bà con cùng biết, sau đó mời các hộ được hỗ trợ lên nhận kinh phí”, ông Trọng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ