Tại cuộc họp trực tuyến phóng chống siêu bão Mangkhut, Ông Nguyễn Văn Tùng (Chủ tịch UBND TP Hải Phòng) cho biết, thành phố đã sẵn sàng phương án di chuyển 17.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, phương án bảo vệ hệ thống cầu cống, đê điều, công trình hạ tầng, công cộng và đặc biệt là 34.000 ha lúa cũng được thành phố chuẩn bị sẵn sàng.
Ngoài ra từ 16 – 17/09, thành phố Hải Phòng chủ động triển khai tới các ban ngành, quận, huyện về công tác chuẩn bị nhân lực, máy móc, trang thiết bị để ứng phó với siêu bão, giảm thiểu thiệt hại của bão gây ra.
Cũng tại cuộc họp trực tuyến, Ông Nguyễn Đức Long (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) đã ký ban hành công điện khẩn số 16/CĐ-UBND về việc chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão.
Theo nội dung công điện, đối với các tàu đánh bắt cá sẽ khẩn trương di chuyển đến nơi trú an toàn; đối với các tàu du lịch trên vịnh sẽ ngừng cấp phép từ 10h sáng ngày 16/9; ngừng cấp phép đối với các tàu đi ra các tuyến đảo.
Trước 17h ngày 16/9, hoàn thành việc rà soát, gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, di chuyển người dân sinh sống dưới bè lên bờ và có phương án di dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đây là cơn “Siêu bão” có đường đi khó lường, vì vậy cần phải chủ động và có những biện pháp đặc biệt kể cả trước và sau khi cơn bão đổ bộ để giảm thiểu cũng như khắc phục thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần báo cáo Tỉnh kịp thời khi phát hiện những diễn biến bất thường để có biện pháp đối phó.
Đối với các khu vực xa đất liền, vùng sâu vùng vùng xa, khu vực biển đảo….cần tổ chức rà soát các tàu thuyền hiện còn hoạt động trên biển, các ngư dân làm nghề nuôi bắt thủy hải sản cần neo đậu phương tiện, gia cố lồng bè để về nơi an toàn tránh trú khi cơn bão đổ bộ.
Người dân khu vực cần theo dõi sát sao thông tin, dự báo về tình hình bão qua các phương tiện vô tuyến, báo, đài.Ngoài ra, đối với các hoạt động kinh tế ven biển, trên biển cần có phương án khắc phục, phòng tránh để đảm bảo an toàn về người và tài sản.