Hai con đường lây truyền bệnh nấm đen Mucomycosis

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai), nấm đen Mucomycosis xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường.

Liên quan đến bệnh nhiễm nấm đen Mucomycosis, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, bệnh nấm đen còn gọi Mucomycosis là bệnh nhiễm trùng được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô, tổn thương thường có màu đen.

Loại nấm này không gây hại cho hầu hết mọi người nhưng đối với người có hệ miễn dịch suy yếu, nấm đen có thể gây bệnh.

Nhiễm nấm đen (Black fungus) là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Loài này thường phát triển vào mùa hè và mùa thu.

Nhóm nấm Mucor tạo ra hàng triệu bào tử (cấu trúc hình cầu cực nhỏ, màu sẫm) lơ lửng trong không khí.

Những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa: lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất, chúng bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. Các sợi nấm phân nhánh và ăn đường trong môi trường xung quanh và phát triển.

Hinh ảnh nấm đen Mucormycosis. Ảnh: HCDC.
Hinh ảnh nấm đen Mucormycosis. Ảnh: HCDC.

Dịch bệnh nấm đen kinh hoàng ở Ấn Độ

Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao gấp 80 lần so với các quốc gia khác. Năm 2021, Ấn Độ từng báo cáo hơn 9.000 ca nấm đen. Bệnh thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. Có khoảng 80% bệnh nhân cần phẫu thuật, nếu xâm lấn vào não, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%.

Các bệnh nhân nhiễm Mucormycosis tại Ấn Độ có đặc điểm: 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, 76% bệnh nhân từng mắc Covid-19. Tỷ lệ tử vong trên 30%.

Thời điểm tháng 5/2021, số người nhiễm nấm Mucormycosis tăng vọt, thuốc amphotericin-B trị nấm tại Ấn Độ thiếu đến khủng hoảng. Bác sĩ phải cắt giảm liều lượng thuốc của người này để san sẻ cho người bệnh khác.

Đầu tháng 6/2021, nước láng giềng Nepal của Ấn Độ cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm nấm Mucormycosis. Đây là bệnh nhân nam, 65 tuổi, được chẩn đoán viêm thùy thái dương. Tuy nhiên, người này không mắc Covid-19.

Đường lây truyền của nấm đen

Thông tin về đường lây truyền của bệnh nấm đen, trên trang Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang. Xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, môi trường xung quanh ta có nhiều nấm, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, nấm sẽ tấn công.

"Việt Nam hiện có đầy đủ các loại thuốc kháng nấm đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh nhân phải điều trị từ 2-3 tuần với kháng nấm truyền tĩnh mạch. Sau đó, điều trị hỗ trợ, duy trì kháng nấm dạng uống từ 3-6 tháng, tùy tình trạng bệnh nhân", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Ảnh: BV Bạch Mai.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Ảnh: BV Bạch Mai.

Khó tìm thuốc cho giai đoạn duy trì

Thông tin về những khó khăn đang gặp phải hiện nay trong điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm đen, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen.

Hiện việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2 - 4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, BHYT chỉ chi trả 50%.

“Chúng tôi cũng gặp khó khăn nữa trong điều trị là hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó để có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol. Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền nên bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này.

Ngoài ra, nấm đen ăn sâu vào trong các tổ chức xoang, hốc mắt, tổ chức thần kinh,... cần phải được kết hợp ngoại khoa để loại bỏ các tổ chức áp xe hoại tử và rửa sạch bằng các dung dịch sát khuẩn tại chỗ. Việc theo dõi và điều trị bệnh nền như đái tháo đường, bệnh máu, chống suy thượng thận, tăng cường dinh dưỡng... cũng đặc biệt quan trọng.

Qua đây chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế sớm đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho loại bệnh này, nhập được thuốc và có chính sách BHYT chi trả cho những bệnh nhân nhiễm nấm đen” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ