Trăm lí do xuất ngoại
Mấy ngày đầu năm mới, Phòng Xuất nhập cảnh, Công an Hà Tĩnh luôn đông nghịt người ra vào làm hộ chiếu, giấy thông hành. Theo nhà chức trách, số lượng lao động có nhu cầu xuất ngoại tăng gấp 3 lần so với các năm trước. Theo thống kê, lượng người đi các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Lào… mỗi ngày lên tới con số hàng nghìn.
Người lao động họ đưa ra cả trăm lí do, nhưng trên hết là mưu sinh. “Ở quê nghèo không có việc làm, thu nhập thấp nên muốn tìm kiếm cơ hội mới tại nước bạn. Khó khăn mấy cũng được, miễn là thu nhập cao hơn, đủ lo cho vợ con” - anh Nguyễn Văn Linh, người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Lam, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, đi lao động nước ngoài là do gia đình đang sống trong vùng chịu ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê: “Đây là năm đầu tiên tôi đi làm hộ chiếu, với quyết tâm sang Thái Lan lao động chân tay. Sống ở vùng đất Thạch Khê, mệnh danh là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, nhưng 10 năm nay người dân chúng tôi không có đất để sản xuất do đất phèn, nhiễm mặn từ mỏ sắt. Chờ cho mỏ sắt hoạt động lại chắc cả nhà ôm nhau chết đói”, anh chia sẻ.
Tay cầm sổ hộ khẩu, mắt chăm chú dõi theo để chờ được gọi tên làm thủ tục, Kiều Công Lâm (25 tuổi, trú xã Đức Long, huyện Đức Thọ) cho biết, sau Tết có ý định sang Lào nên bắt xe buýt từ quê vào thành phố Hà Tĩnh để làm hộ chiếu. Từng tốt nghiệp cao đẳng nghề, làm ở trong nước thu nhập thấp nên Lâm sang Lào “thử vận may”.
“Tết vui thật, nhưng sau Tết là bao nhiêu nỗi lo, một guồng quay cuộc sống mới bắt đầu. Một số bạn bè em sang Lào làm ăn lương mỗi tháng cũng trên 10 triệu đồng. Sang đây, em sẽ cố gắng làm, gom góp ít tiền về giúp bố mẹ, đồng thời để dành sau này cưới vợ”, Lâm nói.
Đứng chờ vào chụp ảnh hộ chiếu, hai bạn trẻ Tú và Lan, người huyện Kỳ Anh nắm chặt tay để động viên nhau. Tú năm nay 25 tuổi, Lan 22, cả hai yêu nhau đã lâu và dự định ăn hỏi vào tháng 4 tới song do gia đình hai bên kinh tế chưa ổn định nên kế hoạch được lùi lại ba năm. “Chúng em dự định sẽ đi làm thuê một thời gian, khi có vốn sẽ về làm đám cưới”, Tú nói.
Được thông báo đã làm xong mọi thủ tục, chờ 8 ngày sau đến lấy hộ chiếu, nhiều ông bố ôm con vui mừng như vớ được vàng. Trong niềm vui, nụ cười là cả một nỗi lo lắng mà những người làm cha, làm mẹ gửi vào con cái mình.
|
Nhu cầu tăng đột biến
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thượng tá Võ Đức Long, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Hà Tĩnh) cho biết, ba ngày làm việc đầu năm Kỷ Hợi 2019, lượng người làm thủ tục xuất ngoại đi sang các nước Đông Nam Á tăng đột biến.
“Riêng trong ngày 12/2, chúng tôi tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ, đơn vị phải bố trí 100% cán bộ, làm việc thông tầm để đáp ứng nhu cầu của người dân”, thượng tá Long nói và cho hay quy trình xử lý mỗi hồ sơ khoảng 15 phút, sau 8 ngày, người dân sẽ nhận được hộ chiếu.
Cũng theo thượng tá Long, để người dân được làm thủ tục chính xác, nhanh, gọn, không phải chờ đợi lâu, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã niêm yết công khai các thủ tục, quy trình làm hồ sơ; bố trí thêm bàn ghi tờ khai, ghế ngồi chờ và thông báo trên loa.
Theo quan sát của Báo GD&TĐ, người đến làm hộ chiếu năm nay không còn cảnh chen lấn như những năm trước đây. Chỉ chưa đầy 15 phút, với sự hướng dẫn chi tiết, nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ, người dân đã có thể cầm được giấy hẹn trên tay.
Sau khi tiếp nhận các hồ sơ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chuyển Cục Quản lý xuất nhập cảnh đúng thời gian quy định, không để ách tắc, tồn đọng. “Những năm gần đây, người dân đi làm hộ chiếu thường tăng cao trong một tuần sau Tết, ngày cao điểm hơn 1.000 người” - lãnh đạo phòng nói thêm.