Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các bậc lão thành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
Các đồng chí Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Trần Phú. |
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại huyện Tuy An (Phú Yên), trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Quê hương Trần Phú là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Mặc dù mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng với nghị lực mạnh mẽ, Trần Phú đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đỗ đầu kỳ thi Thành Chung, Trường Quốc học Huế và được bổ nhiệm làm giáo viên ở trường tiểu học Cao Xuân Dục (TP Vinh, Nghệ An). Sớm giác ngộ cách mạng, Trần Phú đã tích cực tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh, công nhân lao động.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Tại đây Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và nhóm bí mật Cộng sản Đoàn.
Năm 1927, Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái quốc cử sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Được nghiên cứu các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản và tiếp xúc với văn hóa châu Âu, Trần Phú đã tích lũy những hành trang cần thiết để gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công.
Tháng 4/1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng.
Đồng chí đã khởi thảo Luận cương Chính trị và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng l0/1930 thông qua, là văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng.
Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, khi mới 26 tuổi. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây đựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt giam. Bị kẻ thù tra tấn dã man, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931. Trước lúc đi xa, Tổng Bí thư Trần Phú gửi tới các đồng chí của mình lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Các tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã hoàn thành một khối lượng công việc to lớn, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta những di sản vô cùng quý báu.
Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo trẻ đầy tài năng, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Dân tộc.
Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo, được Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua là một văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng.
Hà Tĩnh tự hào là quê hương của đồng chí Trần Phú, luôn khắc sâu lời căn dặn của đồng chí, giữ vững chí khí cách mạng, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong hơn 84 năm qua, kể từ ngày có Đảng dẫn đường, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, sức mạnh từ truyền thống tốt đẹp của quê hương, từ chí khí cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cha anh đang được Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh giữ gìn, phát huy lên tầm cao mới.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Trung ương, các tổ chức quốc tế, sự động viên, hợp tác của các tỉnh, thành phố, tỉnh Hà Tĩnh đã giành được những kết quả toàn diện, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Đã hoàn thành và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ năm 2004 đến nay bình quân đạt trên 12%, riêng năm 2013 đạt 19,2%.
Thu ngân sách tăng nhanh, năm 2013 đạt gần 5.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm 82%, nông nghiệp chỉ còn 18% GDP.
Các công trình, dự án trọng điểm như Khu Kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hệ thống Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, 8A…được triển khai đảm bảo tiến độ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2013 đã có 7 xã về đích nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục - đào tạo luôn thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định.
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện cho cán bộ, đảng viên lão thành và tuổi trẻ của tỉnh Hà Tĩnh phát biểu nguyện tiếp tục phấn đấu, noi theo tấm gương của Tổng Bí thư Trần Phú, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, văn minh, từng bước trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển.
Trước đó (ngày 28/4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới đặt vòng hoa và dâng hương tại Khu mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) và tới dâng hương, dâng hoa tại khu mộ đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng (1936 – 1938) ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh.