Hà Tiên với Tao đàn Chiêu Anh Các

GD&TĐ - Hà Tiên là địa danh trỏ một miền đất mà giới hạn địa lý “phập phồng co giãn” tùy từng thời điểm xã hội - lịch sử cụ thể.

Tại TP Hà Tiên, bên cạnh đền thờ họ Mạc / Mạc Công miếu nơi chân núi Lăng / Bình San, Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các được dựng vào Tết Nguyên tiêu năm Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Phanxipăng
Tại TP Hà Tiên, bên cạnh đền thờ họ Mạc / Mạc Công miếu nơi chân núi Lăng / Bình San, Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các được dựng vào Tết Nguyên tiêu năm Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Phanxipăng

Vốn là xứ Mang Khảm thuộc vương quốc Phù Nam cổ, đến thế kỷ XVII thì đất này nằm trong tình trạng vô quản. Khoảng năm 1700, Mạc Cửu – một thuyền nhân từ Quảng Đông, Trung Hoa – tới chiêu tập lưu dân khẩn hoang lập ấp, rồi tự nguyện xin sáp nhập đất này vào lãnh thổ Đàng Trong dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1697 - 1738). 

Hà Tiên diên cách

Trấn Hà Tiên chính thức được thành lập từ đó, năm Mậu Tý 1708.

Năm Nhâm Thìn 1832, niên hiệu Minh Mạng XIII, trấn Hà Tiên được gọi tỉnh Hà Tiên và là một trong 6 tỉnh Nam Bộ / Nam Kỳ lục tỉnh.

Cuối năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chia Hà Tiên làm 4 tỉnh nhỏ: Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Trong kháng Pháp, năm 1951, tỉnh Hà Tiên nhập với Long Châu Hậu (tức phần phía Tây sông Hậu của 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc) thành tỉnh Long Châu Hà. Tên tỉnh Long Châu Hà cũng do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tái lập năm 1972 gồm 3 huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A (của tỉnh Rạch Giá) và 3 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức (của tỉnh An Giang). Còn trên bản đồ hành chính do chế độ Việt Nam Cộng hòa thiết lập trước năm 1975, Hà Tiên là một quận thuộc tỉnh Kiên Giang.

Tháng 2/1976, Chính phủ quyết định đổi tên tỉnh Rạch Giá thành tỉnh Kiên Giang. Lúc đó, trực thuộc tỉnh Kiên Giang, huyện Hà Tiên gồm thị trấn (TT) Hà Tiên và 9 xã. Ngày 27/9/1993, chuyển thị tứ Kiên Lương thành TT Kiên Lương thuộc huyện Hà Tiên.

Ngày 8/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/1998/NĐ-CP, thành lập TX Hà Tiên trên cơ sở TT Hà Tiên. Ngày 21/4/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/1999/NĐ-CP, đổi tên huyện Hà Tiên thành huyện Kiên Lương.

Ngày 11/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14, thành lập thành phố (TP) Hà Tiên trên cơ sở toàn bộ 100,49km2 diện tích tự nhiên và 81.576 người của TX Hà Tiên. Sau khi thành lập, TP Hà Tiên gồm 7 đơn vị hành chính, gồm 5 phường Bình San, Đông Hồ, Mỹ Đức, Pháo Đài, Tô Châu và 2 xã Thuận Yên, Tiên Hải.

Đây là phần lục địa cuối cùng của đất nước Việt Nam về phía tây nam, có 54km đường biên giới trên bộ tiếp giáp Campuchia.

Trải quá trình diên cách, Hà Tiên liên tục biến chuyển từ cấp trấn sang cấp tỉnh, rồi cấp huyện / quận có TT, rồi TX, đoạn trở thành TP. Đơn vị hành chính thay đổi, diện tích tự nhiên cũng đổi thay. Lưu ý rằng một số cảnh đẹp nổi tiếng như hòn Phụ Tử, hòn Chông, chùa Hang, hang Tiền, hang Moso giờ đây chẳng thuộc TP Hà Tiên mà thuộc huyện Kiên Lương. Thời gian qua, ắt bởi thiếu cập nhật thông tin nên nhiều sách, báo, đài, lịch, bưu thiếp, website giới thiệu các phong cảnh vừa nêu lại kèm lời giải thích, thuyết minh “ở Hà Tiên” là không còn sát hợp thực tế.

Tượng đài Mạc Cửu bằng đá (tượng cao 7m, bệ cao 3m) do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Phong tạc, dựng trong công viên Mũi Tàu ở TP Hà Tiên. Ảnh: Phanxipăng
Tượng đài Mạc Cửu bằng đá (tượng cao 7m, bệ cao 3m) do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Phong tạc, dựng trong công viên Mũi Tàu ở TP Hà Tiên. Ảnh: Phanxipăng

Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời ngày nào?

Là hội thơ thứ nhì ở Việt Nam, sau Tao đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông, Tao đàn Chiêu Anh Các do viễn khách Trần Thủy Hoài nảy sáng kiến thành lập và ngôi chủ soái được Tổng binh đô đốc trấn Hà Tiên bấy giờ là Mạc Thiên Tích đảm nhiệm. Lê Quý Đôn (1726 - 1784), nhà thơ kiêm nhà bác học đương thời, đã bỏ công trích chép tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các vào các bộ sách Phủ biên tạp lục và Kiến văn tiểu lục kèm lời ngợi khen: “Không thể bảo chốn hải ngoại xa xôi không có văn chương được”.

Tao đàn Chiêu Anh Các xuất hiện bao giờ? Thư tịch xưa nay đều thống nhất ghi nhận: Mùa xuân năm Bính Thìn 1736. Nhưng chính xác vào ngày tháng nào? Tết Nguyên đán mùng 1 tháng Giêng, hay tiết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng âm lịch?

Tài liệu Hà Tiên – Đất nước và con người của nhóm soạn giả Phan Thế Nhàn, Trần Thế Vinh, Hứa Nhứt Tâm, Lê Quang Khanh và Nguyễn Xuân Sơn (NXB Mũi Cà Mau, 1999) cho rằng Tết Nguyên đán Bính Thìn 1736.

Thế nhưng, khá đông nhà nghiên cứu bấy lâu nay đều khẳng định thời điểm đang xét là rằm tháng Giêng. Tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tiến hành ở Rạch Giá tháng 11/1986, các tham luận “Tao đàn Chiêu Anh Các qua các trang sách cũ” của Hà Văn Thùy (Hội Văn nghệ Kiên Giang) và “Chiêu Anh Các trong bối cảnh các tao đàn, thi xã của văn chương dân tộc” của Bùi Mạnh Nhị (Đại học Sư phạm TPHCM) đều xác định Tết Nguyên tiêu Bính Thìn 1736.

2 mốc thời gian, mốc nào chân xác?

Thử xem lại bài tựa do đích thân Mạc Thiên Tích chấp bút đề sách “Hà Tiên thập vịnh”, bản khắc gỗ in năm Đinh Tị 1737, được Đông Hồ phiên dịch trong công trình biên khảo “Văn học Hà Tiên”(NXB Quỳnh Lâm, Sài Gòn, 1970; NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1996), có đoạn: “Mùa xuân năm Bính Thìn (1736) có thầy Trần Thủy Hoài từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem “Hà Tiên thập cảnh”cho tri kỷ. Thầy Trần dựng cờ Tao đàn, mở hội phong nhã”.

So sánh 2 mốc Nguyên đán với Nguyên tiêu, dễ thấy mốc sau hợp lý hơn. Bởi lẽ, nếu sự kiện “dựng cờ Tao đàn” xảy ra đúng Tết Nguyên đán Bính Thìn 1736, ắt nhân vật Trần Thủy Hoài đã ghé Hà Tiên ít nhất từ cuối đông Ất Mão mới phải. Do đó, lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các vẫn được Hà Tiên tổ chức dịp rằm tháng Giêng hằng năm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ