Hà Nội: Vì sao trường ngoài công lập tuyển sinh sớm so với quy định?

GD&TĐ - Ngày 29/5/2017, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản nghiêm cấm tất cả các trường trên địa bàn tuyển sinh đầu cấp trước thời hạn quy định, trong đó bao gồm cả trường ngoài công lập (NCL) và sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. 

Học sinh trường Lương Thế vinh (Hà Nội).
Học sinh trường Lương Thế vinh (Hà Nội).

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua các trường NCL đã tuyển sinh không theo thời điểm tuyển sinh chung mà Sở GD&ĐT quy định. Vậy tại sao các trường NCL ở Hà Nội làm sai quy định của Sở? Sở và các trường lý giải thế nào về thực tế này?

Tuyển sinh sớm - Trường có lý của trường

Nhiều trường NCL ở Hà Nội đã hoàn tất việc tuyển sinh lớp 1, và thậm chí một số trường đã tuyển hết chỉ tiêu lớp 6 từ rất sớm.

Chị Đào Ly (Đống Đa, Hà Nội) vừa làm thủ tục xin cho con vào học lớp 6 một trường NCL chia sẻ với PV báo GD&TĐ: “Gia đình tôi xin cho con học trường NCL, vì mấy trường THCS công gần nhà đều không có bán trú, cho con học trường NCL để được học bán trú, có xe bus của trường đưa đón thuận tiện cho gia đình. Gia đình đã làm hồ sơ nhập học cho con, đóng các khoản tiền thỏa thuận đầu năm cho nhà trường rồi. Nhưng vừa rồi nghe thông tin Sở GD&ĐT cấm tuyển sinh sớm trước quy định (1/7), tôi rất lo lắng. Trường tôi xin cho con là trường NCL danh tiếng, được nhà trường nhận con vào học theo nguyện vọng là tôi mừng lắm rồi. Nếu bây giờ mà Sở không đồng ý kết quả tuyển sinh của các trường đã tuyển sinh như trường tôi đã xin học cho con, thì việc xin học cho con tôi sẽ giải quyết thế nào? Trường trả lại hồ sơ, trả lại tiền đã đóng và phải chờ đến đúng 1/7 mới làm lại từ đầu? Nếu hủy kết quả con tôi đã được trường đồng ý nhận học rồi, để đến 1/7 tất cả các phụ huynh đồng loạt đến xin học lại từ đầu thì tôi e là không chắc chắn có được chỗ học như mong muốn cho con”.

Nếu như các trường công lập (CL) có phân tuyến tuyển sinh rõ ràng, trường CL cũng biết được số lượng HS đúng tuyến trên địa bàn, thì ngược lại các trường NCL phải có các đơn xin học của phụ huynh thì mới “đếm” được số HS xin vào trường để tính toán phương án xét tuyển lấy sao cho chỉ đủ số chỉ tiêu.

Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm 31/5 Sở GD&ĐT ra một văn bản cấm phát hành hồ sơ tuyển sinh. Theo quyết định của Sở thì trường này phải tạm thời dừng phát hành hồ sơ tuyển sinh, Trường Lương Thế Vinh đã phát đi một thông báo tới các phụ huynh: “Trường phải tuân thủ lịch tuyển sinh của Phòng và Sở GD&ĐT Hà Nội. Những phụ huynh có nguyện vọng cho con vào trường đề nghị ghi danh tại văn phòng”.

Thầy Văn Như Cương (Hiệu trưởng) khẳng định: “Thực chất trường tôi vẫn chấp hành quy chế của Sở là 1/7 mới nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6. Vừa rồi, Sở yêu cầu trường tôi dừng phát hồ sơ xin học cho HS, thì tôi giải thích rõ thế này: Trường tôi chưa hề nhận hồ sơ nhập học của HS mà chúng tôi muốn tạo điều kiện cho phụ huynh nắm bắt được sớm thông tin về điều kiện học ở trường, chẳng hạn như học phí đóng bao nhiêu để phụ huynh lượng sức về tài chính, về chương trình học…”.

Thầy Cương lý giải, nếu không có sự chuẩn bị trước, thì với số lượng HS muốn xin vào học quá đông so với chỉ tiêu, nếu nhà trường không thông tin đầy đủ cho HS và phụ huynh từ trước thời điểm tuyển sinh, mà cứ để đến thời điểm 1/7 cùng lúc hàng nghìn HS có nhu cầu xin vào trường và phụ huynh ùn ùn ở cổng trường thì làm thế nào?” - Thầy Cương nhận định.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội) cho rằng: “Các trường NCL nói chung, nhất là những trường có uy tín với cha mẹ HS thì cha mẹ trước khi xin học muốn con được đến trường để có những trải nghiệm, như trường tôi tổ chức 1 ngày trải nghiệm cho HS chuẩn bị học lớp 1. Cho dù phụ huynh rất thích cho con học một trường NCL nào đó thì họ cũng muốn nhà trường phải khẳng định cho họ là có chỗ cho con họ vào học không, để họ yên tâm, không phải đăng ký vào trường CL nữa.

Việc phụ huynh lựa chọn trường NCL cho HS học không chỉ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh mà còn giúp giảm bớt sĩ số 60 - 70 HS/lớp ở nhiều trường CL đang bị quá tải. Đó là mặt tích cực mà các trường NCL chia sẻ bớt cho các trường CL, cũng là chia sẻ bớt gánh nặng cho nhiệm vụ phổ cập tiểu học và THCS, bởi sự phát triển của số lượng HS khiến các trường CL đáp ứng không kịp về cơ sở vật chất, trường lớp”.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội): “Các trường NCL như chúng tôi phải trả lời sớm cho phụ huynh những câu hỏi như “Trường có nhận con tôi hay không nhận? Để nếu không nhận phụ huynh còn tìm trường khác xin học cho con”. Vì thế, trường NCL không phải không có áp lực tuyển sinh, nhất là với những trường có đông phụ huynh muốn xin học cho con như các trường NCL “top” đầu về số đơn xin học”.

“Tôi cho rằng vì sự cần thiết trong định vị đầu vào trong tuyển sinh mang đặc thù riêng của trường NCL là thỏa thuận 3 bên HS - Phụ huynh - Nhà trường, nên không thể quy định trường NCL phải tuyển sinh cố định vào một thời điểm cùng với các trường CL. Làm như vậy là rất khó tuyển sinh theo đúng tiêu chí riêng của từng trường NCL và khó khăn cho chính phụ huynh, HS muốn xin học ở trường NCL” - Cô Thúy nhận định.

Không cứng nhắc trong quy chế tuyển sinh

PV báo GD&TĐ đã trao đổi với ông Ngô Văn Chất (Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng GD, Sở GD&ĐT Hà Nội) về quy định tuyển sinh cùng thời điểm của tất cả các trường CL và NCL như hiện nay của Hà Nội có còn phù hợp thực tiễn, khi mà đặc thù tuyển sinh của các trường NCL rất khác với các trường CL (tuyển theo tuyến…)? Ông Chất cho biết: “Từ nhiều năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã có các văn bản quy định các trường CL và NCL đều phải tuyển sinh đúng theo quy định bắt đầu từ 1/7 mới tuyển sinh.

Trong những tháng trước thời điểm tuyển sinh quy định, trường nào phát hành đơn tuyển sinh hoặc có những phát hành, những quảng cáo về trường thì Sở đều đã có văn bản kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu tất cả các trường phải dừng lại. Sở cũng yêu cầu tất cả các Phòng GD&ĐT là nơi trực tiếp phải có động thái kiểm tra nếu trường nào vi phạm quy định về thời gian tuyển sinh thì phải xử lý nghiêm, đồng thời cam kết tất cả các trường phải thực hiện cam kết về tuyển sinh theo đúng lịch tuyển sinh của Sở”.

Theo ông Chất: Các trường NCL, trường nào có mong muốn khác so với quy định về tuyển sinh thì có văn bản đề nghị với Sở. Trong những năm gần đây, Sở cũng chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ bất cứ trường NCL nào về việc xin phép tuyển sinh sớm…

Ông Chất cũng cho biết: “Lịch tuyển sinh Sở đã đưa ra thì không phân biệt trường dễ dàng tuyển sinh hay trường khó khăn, tất cả các trường trên địa bàn phải thực hiện theo một lịch thống nhất chung...”.

“Xin học ở trường NCL là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, các trường NCL không thể cửa quyền, đòi hỏi phụ huynh phải xếp hàng nộp đơn xin học, phụ huynh bỏ tiền ra cho con học trường NCL thì họ phải được đòi hỏi nhà trường tiếp đãi tuyển sinh tử tế, có thời gian để họ xem xét các điều kiện học phí, hoạt động giáo dục như thế nào, con họ được chăm sóc bán trú ra sao...” - Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội) phân tích với PV báo GD&TĐ.

Thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Bắt các trường NCL tuyển sinh đúng thời hạn là không dựa trên thực tế. Sự tồn tại của hệ thống các trường NCL là theo đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, Luật GD cũng xác định hệ thống các trường NCL được coi như một thực thể và có quy chế hoạt động riêng. Các cơ chế, quy chế quản lý dù bất luận là thế nào cũng phải đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phải phù hợp với năng lực và thực tiễn cơ sở”.

Tâm tư chung của các trường NCL ở Hà Nội là Sở GD&ĐT nên xem xét lại có nhất thiết phải quy định cứng là đầu tháng 7 tất cả các trường mới được tuyển sinh không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.