Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học

Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học

(GD&TD)-Thực hiện Quyết định 315/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn Thủ đô từ ngày 1/2/2012của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường về việc thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm, bắt đầu từ 01/2.

gh
Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của các gia đình và nhà trường (ảnh MH)

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo phương án của Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị, trường học bố trí giáo viên để đón và trả học sinh bảo đảm an toàn và đúng quy định.

Theo đó, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quy định sẽ bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học buổi chiều vào 17h.

Tuy nhiên, các nhà trường phải chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hằng ngày.

Học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng vào học buổi sáng từ trước 7h và kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc điều chỉnh giờ học đáp ứng được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ giao nhiệm vụ rõ ràng đối với các trường cũng như quy định các chế độ, chính sách đi kèm cho những người làm việc ngoài giờ.

* Trong kế hoạch thực hiện điều chỉnh lệch giờ học tập, làm việc trên dịa bàn TP mới đề xuất, TPHCM kiến nghị các sở ngành địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp trong từng hệ thống đã thực hiện từ năm 2006. Chỉ có một số thay đổi nhỏ như giờ học - giờ về của khối tiểu học buổi chiều, THCS, THPT sẽ điều chỉnh muộn 15 phút, giờ học đều bắt đầu từ 7h00 - 7h15, giờ về từ 16h45 – 17h30.

Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương mà các trường chủ động phối hợp điều chỉnh lệch giờ giữa các khối lớp, giữa các trường trong cụm trên các tuyến đường trọng điểm nhằm giải quyết tốt nhất tình trạng ùn tắc giao thông.

TP cũng chỉ đưa ra khung giờ chuẩn, còn các địa phương có thể điều chỉnh để phù hợp với tình hình của từng quận. Đối với trường tổ chức bán trú, chéo buổi chủ động điều chỉnh giờ vào học và giờ về trễ 15 đến 30 phút, trong từng khối lớp bậc tiểu học hoặc THCS lại có giờ về cách nhau 10 đến 15 phút, hoặc trên cùng tuyến đường thì các trường thỏa thuận với nhau để bố trí lệch giờ vào học và tan trường.

Thực tế cho thấy, ùn tắc trước cổng trường chủ yếu là do các em học sinh tập trung về cùng lúc, quá tải khu vực cổng trường. Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, chuyên viên Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên - Sở GDĐT cho rằng biện pháp lệch giờ từng khối lớp của mỗi trường rất quan trọng, TP đã thực hiện và đạt hiệu quả tốt.

Còn khối lao động thì TP chủ trương chỉ bố trí lệch giờ cho các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập (trừ cơ sở giáo dục), doanh nghiệp nhà nước và các đoàn thể làm việc theo giờ hành chính. Cụ thể, giờ làm việc có thể bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h00; chiều có thể kết thúc sớm lúc 16h00 hoặc 16h30 hoặc 17h00. Các mốc thời gian này các cơ quan có thể tự lựa chọn cho phù hợp điều kiện khu vực mình.

Theo TP thì giờ kết thúc làm việc của khối này nên sớm hơn để giảm số người đổ ra đường quá đông vào lúc 17h00 và cũng phù hợp với việc đón con khi tan trường. Các đơn vị cho người lao động về sớm có thể rút ngắn thời gian nghỉ trưa để đảm bảo tổng số thời gian làm việc theo quy định.

Theo UBND TPHCM, hiện TP có gần 10 triệu người (bao gồm cư dân, người nhập cư và khách vãng lai) sinh sống và hơn 5 triệu xe hai bánh, 500.000 ô tô hoạt động mỗi ngày trên đường. Trong khi đó, TP chỉ có 3.600 tuyến đường với tổng diện tích đường là 26 triệu m2. Do đó, việc ùn tắc vào giờ cao điểm là khó tránh khỏi.

Vì vậy, giải pháp căn cơ lâu dài chỉ có thể là phát triển kết cấu hạ tầg giao thông, bến bãi; Kết hợp phát triển giao thông với không gian đô thị, hình thành các đô thị vệ tinh; Di dời các cảng biển, trường đại học, bệnh viện lớn ra ngoài thành phố…

Đối với phương án bố trí lệch giờ học tập, làm việc, TP cho đó chỉ là một trong những phương án cấp bách để ứng phó tình thế trước mắt, phải phối hợp thực hiện cùng lúc với nhiều biện pháp tình thế khác.

Từ năm học 2006 – 2007, TPHCM đề xuất thực hiện biện pháp lệch giờ trên nhưng vì quan điểm khác nhau nên không được nhất trí thông qua và áp dụng trên toàn TP. Sau đó, TP đã cho áp dụng thí điểm cục bộ, tùy đặc điểm của từng quận – huyện, từng khu vực, từng tuyến đường, từng khu công nghiệp, từng cụm trường học mà sắp xếp lệch giờ.

Bên cạnh đó, TPHCM còn yêu cầu các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong nội đô bố trí giờ học cách xa giờ đi làm của cán bộ công nhân viên chức và lệch giờ với các trường phổ thông lân cận

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.